Nhiều cải cách, hiện đại hóa tiến tới kho bạc số
Công chức Kho bạc Nhà nước thực hiện đối soát số liệu thanh toán vốn. Ảnh tư liệu

Cải cách các khâu nghiệp vụ

Trong tiến trình cải cách, hướng đến kho bạc số của Kho bạc Nhà nước (KBNN) phải kể đến bước đầu số hóa các chứng từ giao dịch.

Còn nhớ nhiều năm về trước, tại các đơn vị KBNN, nhất là tại các kho bạc có nhiều đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) giao dịch, hồ sơ, chứng từ thanh toán vốn “chất cao như núi” và lượng khách hàng ra, vào giao dịch luôn tấp nập. Để khắc phục tình trạng này và thực hiện kho bạc điện tử, KBNN đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, KBNN và các đơn vị SDNS.

Đặc biệt, từ năm 2018, KBNN triển khai giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã đặt dấu mốc cho các hoạt động giao dịch của KBNN trên nền tảng điện tử. Kể từ đây, các hồ sơ giao dịch được gửi tới KBNN qua DVCTT dưới dạng văn bản scan cơ bản đã được số hóa bước đầu với việc bán điện tử. Theo đó, những “núi” hồ sơ, chứng từ trước đây đã không còn nữa hoặc chỉ còn rất ít. Đặc biệt, khách hàng hầu như đã “vắng bóng”.

Bước đi vững chắc cho kho bạc số

Việc thanh toán tự động mới chỉ là bước khởi đầu để KBNN tiến tới kho bạc số vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, với những lợi ích mang lại, việc thanh toán tự động một số khoản chi thường xuyên và các khoản chi dịch vụ điện, nước, viễn thông thời gian qua đã cho thấy KBNN đang có những bước đi vững chắc để tiến tới kho bạc số.

Một kết quả đáng ghi nhận nữa trong tiến trình chuyển đổi của KBNN là việc thanh toán tự động một số khoản chi thường xuyên và các khoản chi dịch vụ do đơn vị SDNS ủy quyền.

Quy trình của việc thanh toán tự động này là KBNN thực hiện kết nối hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) với các nhà cung cấp dịch vụ và ngân hàng thương mại (NHTM). Định kỳ, các nhà cung cấp gửi hóa đơn trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua NHTM cho KBNN, KBNN căn cứ trên các hóa đơn tự động trích nơi tài khoản của đơn vị SDNS để thực hiện thanh toán cho các nhà cung cấp và gửi giấy báo nợ cho đơn vị SDNS.

Việc trích nợ tự động tài khoản của đơn vị được thực hiện thông qua việc đơn vị SDNS và KBNN ký kết một văn bản ủy quyền thanh toán tự động, trong đó chỉ rõ các mã khách hàng, dịch vụ và tài khoản tương ứng để trích nợ.

Có thể thấy, nhờ những cải tiến, hiện đại hóa ứng dụng CNTT vào quy trình nghiệp vụ, quy trình thanh toán tự động một số khoản chi dịch vụ của KBNN đã giúp giảm thời gian và chi phí hoạt động của đơn vị SDNS khi không còn phải lập chứng từ thanh toán gửi tới KBNN.

Ngoài ra, quy trình thanh toán tự động đã giúp rút ngắn thời gian giao dịch từ 1 ngày cho mỗi hồ sơ chi với rất nhiều nhân lực tham gia kiểm soát (với quy trình thủ công trước đây) xuống còn khoảng từ 2-3 giờ cho tất cả các hồ sơ chi.

Đồng thời đã giúp giảm đáng kể lượng hồ sơ giao dịch, vì thế, công chức KBNN có thêm thời gian để kiểm soát các hồ sơ thanh toán phức tạp hơn. Nguồn lực con người chuyển từ thực thi sang giám sát, kiểm tra, đối soát, đẩy mạnh việc kiểm soát từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” của kho bạc.

Tiếp tục hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến

Với việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ đã giúp công tác cải cách hành chính của KBNN đạt nhiều kết quả vượt trội. KBNN cũng nhận được sự đánh giá rất cao từ phía khách hàng và các đơn vị SDNS. Đặc biệt, KBNN được Bộ Tài chính đánh giá xếp thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thực hiện tốt công tác cải cách cách hành chính trong nhiều năm liền.

Ông Trần Quân - Tổng Giám đốc KBNN cho biết, kết quả này có được là từ kinh nghiệm của đơn vị trong triển khai thành công các đề án, chính sách lớn trong suốt thời gian qua như Tabmis, hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, ngoài nền tảng công nghệ hiện đại và huy động, KBNN đã tận dụng được sự hợp tác, giúp đỡ của của các tổ chức, chuyên gia tư vấn quốc tế.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng Giám đốc KBNN, trong tiến trình tiến tới kho bạc số, KBNN cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định khi phạm vi hoạt động nghiệp vụ của hệ thống KBNN rộng, liên quan đến các bộ, ngành, địa phương. Trong khi đó, mức độ ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ. Đơn cử như hệ thống phần mềm của ĐVSDNS, đơn vị dự toán chưa tương thích với hệ thống của kho bạc, do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách.

Nhiều cải cách, hiện đại hóa tiến tới kho bạc số
Kho bạc Nhà nước thời gian qua đã có nhiều cải cách, hiện đại hóa, ngày càng chuyên nghiệp. Ảnh minh họa

Để khắc phục tình trạng này, cũng như trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNNN đến năm 2023 đặt ra và Chương trình hành động của Bộ Tài chính để thực hiện chiến lược, KBNN đã phân công cụ thể các nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện, từng quý có đánh giá tiến độ hoàn thành, nguyên nhân chậm, muộn để kịp thời xử lý.

Đồng thời, ông Trần Quân cho biết, KBNN đã đưa ra lộ trình để thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn 2024 - 2026, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện hệ thống CNTT, lấy Tabmis làm trung tâm để thực hiện mục tiêu, KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống DVCTT, hoàn thiện kho bạc điện tử; nâng cấp và mở rộng kho dữ liệu thống kê, phân tích nghiệp vụ nhằm bổ sung hoàn thiện thông tin báo cáo, cung cấp dữ liệu kịp thời cho cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; xây dựng và triển khai chương trình thông tin chỉ đạo, điều hành của KBNN, cung cấp kịp thời thông tin cho lãnh đạo Bộ Tài chính, KBNN các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, KBNN xây dựng “Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới kho bạc số”. Đây là bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện đại hóa KBNN nhằm tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các nội dung cải cách, hiện đại hóa về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; hiện đại hóa CNTT trong Bộ Tài chính và hệ thống KBNN cũng như tại các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

Đặc biệt, theo Tổng Giám đốc KBNN, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025, do đó, toàn hệ thống KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của KBNN theo đúng lộ trình thực hiện chiến lược phát triển. Xây dựng, hoàn thiện theo thẩm quyền các quy trình, nghiệp vụ của hệ thống, lấy CNTT là khâu đột phá, cải cách cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng.

Tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi

Đổi mới phương thức kiểm soát chi (KSC) NSNN theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị SDNS và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; đi đôi với kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm là các mục tiêu KBNN hướng tới trong thời gian tới.

Để đạt được các mục tiêu trên và nâng cao công tác KSC, đưa nguồn vốn ngân sách kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng, KBNN đã giao Vụ KSC tiếp tục phối hợp với Cục CNTT nâng cấp DVCTT đáp ứng các yêu cầu sửa đổi Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và số hóa các tiện ích phục vụ các đơn vị SDNS và KBNN.