Ngư dân đưa tàu thuyền vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới. |
Quảng Ngãi: Cấm tàu thuyền ra biển hoạt động từ 12 giờ trưa nay
Ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành công điện khẩn gửi các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 12 giờ ngày 18/9 cho đến khi thời tiết ổn định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 97/CĐ-TTg, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu: Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải, Chủ tịch UBND các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 12 giờ ngày 18/9 cho đến khi thời tiết ổn định.
Công điện yêu cầu thông báo, hướng dẫn và kêu gọi các chủ lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên sông, biển khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân gia cố nhà ở; khẩn trương tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngã đổ để đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng.
Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.
Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân, cơ sở sản xuất ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long và khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu thuộc các xã ven sông Trà Bồng, Vệ, Trà Câu, Phước Giang tại các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn và thị xã Đức Phổ.
Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở,…); tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi đang bị xuống cấp, đặc biệt là các hồ chứa đã có biểu hiện nguy hiểm như: Hồ Ông Tới, hồ Phượng Hoàng...bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, theo dõi và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Biển động, các tàu cá khẩn trương vào bờ tránh trú. |
Quảng Bình cấm biển từ 0 giờ ngày 19/9
Chiều 17/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn.
Theo đó, để chủ động ứng phó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý các loại thuyền nan, thuyền nhỏ. Bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Tổ chức cấm biển bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/9 cho đến khi biển an toàn, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia.
UBND các địa phương khẩn trương kiểm tra, triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn (đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ sạt lở cao như đồi Phòng không xã Đức Hóa, sạt lở thôn 5 thị trấn Quy Đạt, thôn Rục xã Hồng Hóa...); dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa lũ; bố trí lực lượng phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, chủ động tạm dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn.
Khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình đang thi công, đặc biệt là cao tốc Bắc Nam, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, kè biển Quảng Phúc; kè biển Nhật Lệ-Quang Phú, dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 2...
Mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến đường tại trung tâm TP. Đà Nẵng sáng 18/9. |
Đà Nẵng sẵn sàng sơ tán nhân dân tại các khu vực nguy hiểm
Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ sáng nay trên địa bàn TP. Đà Nẵng có mưa lớn gây ngập cục bộ ở một số tuyến đường, khu dân cư.
UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố (Ban Chỉ huy) để rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão số 4.
Ban Chỉ huy yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển….
Tiếp tục duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn, chú ý các phương tiện ở khu vực bắc Biển Đông - Hoàng Sa; vùng biển Huế - Đà Nẵng...
Tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá,…không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm. Nghiêm cấm người dân, phương tiện đi lại tại các khu vực ven sông, suối, hồ đập và các khu vực ngập lụt để đánh bắt thủy sản,…
Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng cho biết, cập nhật đến 5h ngày 18/9, TP. Đà Nẵng còn 62 phương tiện/617 lao động đang hoạt động trên biển (Vịnh Bắc Bộ 01 PT/07 lao động; khu vực ven bờ từ Quảng Trị - Đà Nẵng: 10 PT/87 lao động; khu vực Bắc Biển Đông - Hoàng Sa: 41 PT/452 lao động; khu vực Giữa Biển Đông - Trường Sa: 10 PT/71 lao động).
Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ, bão số 4; hiện nay các đơn vị, các đài trực canh của bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng đang duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn.
Theo báo cáo của BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, hiện 590 tàu neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng 354 tàu, các tỉnh khác: 236 tàu. Ngoài ra còn 95 ghe nhỏ).
Hiện 590 tàu neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng 354 tàu, các tỉnh khác 236 tàu. Ngoài ra còn 95 ghe nhỏ). |
Quảng Nam sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tính đến 5h00 ngày 18/9, tỉnh Quảng Nam vẫn còn 206 tàu/1.942 lao động đang hoạt động trên biển.
Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã thông báo kêu gọi cho 13 phương tiện đang hoạt động khu vực có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ vào bờ tránh trú, dự kiến ngày 18/9/2024 sẽ vào cảng An Hòa.
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch ứng phó, duy trì Đài thông tin TKCN, thống kê, kiểm đếm tàu thuyền, chủ động tham mưu tổ chức công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền, an
toàn cho người và tài sản của Nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè, các khu vực nuôi trồng thủy hải sản và tổ chức bắn pháo hiệu thông báo ATNĐ theo quy định.
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn khi có sự cố...