Tăng trưởng ấn tượng

Về tăng trưởng kinh tế, vượt qua giai đoạn tăng trưởng cực kỳ khó khăn của quý 4/2020 và quý 1/2021, tăng trưởng kinh tế (quý so với quý) của khu vực đồng Euro đã tăng từ -0,3% trong quý 1/2021 lên 2,0% trong quý 2/2021, vượt qua kỳ vọng của thị trường về mức tăng trưởng 1,5%. Tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng từ -0,1% trong quý 1 lên 1,9% trong quý 2/2021.

Trong số các nền kinh tế lớn nhất của khối, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã trở lại tăng trưởng và tốc độ mở rộng được ghi nhận ở Ý.

Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức đã tăng từ -1,8% trong quý 1 lên 1,5% trong quý 2/2021; Pháp tăng trưởng từ 0,0% lên 0,9%; Ý tăng từ 0,2% lên 2,7%, trong khi Tây Ban Nha có được sự tăng trưởng vượt bậc khi tăng từ -0,4% lên 2,8%. Ngoài ra, những thành viên khác cũng chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục như Áo (từ -1,1% lên 4,3%), Bồ Đào Nha (từ -3,2% lên 4,9%), Latvia (từ -1,7% lên 3,7%).

chau au
Tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng từ -0,1% trong quý 1 lên 1,9% trong quý 2/2021. Ảnh TL

IMF (tháng 4/2021) đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro sẽ tăng từ -6,6% trong năm 2020 lên 4,4% trong năm 2021. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Đức tăng từ -4,9% lên 3,6%; Pháp là tăng từ -8,2% lên 5,8%; Ý là tăng từ -8,9% lên 4,2% và Tây Ban Nha cũng được dự báo tăng từ -11,0% lên 6,4%.

Chỉ số PMI sản xuất trong khu vực có được sự tăng trưởng ấn tượng từ 54,8 điểm trong tháng 1 lên 62,8 điểm trong tháng 7/2021, ghi nhận những tháng mở rộng liên tiếp kể từ tháng 7/ 2020.

Nguyên nhân chính là do sản lượng và các đơn hàng mới tăng nhanh. Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng từ -0,32 điểm trong tháng 1 lên 1,9 điểm trong tháng 7/2021. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ -15,5 điểm trong tháng 1 lên -4,4 điểm trong tháng 7/2021. Đây cũng là mức cao do sự mở cửa của nền kinh tế và sự gia tăng tốc độ tiêm chủng phòng Covid-19.

Về lạm phát, chỉ số lạm phát tại khu vực đồng Euro tăng từ mức 0,9% trong tháng 1 lên 2,2% trong tháng 7/2021, cao hơn mức dự báo của thị trường là 2%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2018.

Lạm phát tiếp tục tăng trong tháng 7 chủ yếu do các lạm phát thành phần của một số nhóm hàng chính tăng như nhóm năng lượng có tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt mức cao nhất (14,1% so với 12,6% trong tháng 6); thực phẩm, rượu và thuốc lá (1,6% so với 0,5%), dịch vụ (0,9% so với 0,7%). Tỷ lệ lạm phát cao nhất được ghi nhận tại Estonia với 4,9%; Lithuania 4,3%; Luxembourg 3,3%. Trong khi đó tỷ lệ lạm phát thấp nhất ghi nhận tại Malta với 0,4%; Hy Lạp 0,6% và Ý 0,9%.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, lạm phát cao hơn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu gần đây chủ yếu là do "các yếu tố tạm thời" liên quan đến đại dịch và sẽ không khiến ECB sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm

Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đã giảm xuống. Theo văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp của khu vực đồng Euro đã giảm từ 8,2% trong tháng 01 xuống 7,7% trong tháng 6/2021. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 7,9%. So với tháng 5/2021, số người thất nghiệp giảm 487.000 ở EU và 423.000 ở khu vực đồng Euro. So với tháng 6/2020, số người thất nghiệp giảm 397.000 ở EU và 339.000 trong khu vực đồng Euro trong bối cảnh các hạn chế do Covid-19 gây ra dần dần được nới lỏng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (dưới 25 tuổi) đã giảm từ 17,9% tháng 5 xuống 17,3% trong tháng 6 tại Eurozone và giảm từ 17,6% xuống 17,0% tại EU.

Trong số các nền kinh tế lớn nhất của Khu vực đồng Euro, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận ở Tây Ban Nha (15,1%), Ý (9,7%) và Pháp (7,3%); trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất được ghi nhận ở Hà Lan (3,2%) và Đức (3,7%).

Hoạt động thương mại tiếp tục tăng trưởng tích cực. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2021 đạt 188,2 tỷ EUR, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 180,7 tỷ EUR, tăng 35,2% so với tháng 05/2020. Cán cân thương mại thặng dư 7,5 tỷ EUR cho thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế trong bối cảnh biến chủng Delta tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 79,7 tỷ EUR, tăng 20,6% so với 5 tháng đầu năm 2020. Trong đó, tổng xuất khẩu đạt 957,9 tỷ EUR, tăng 13,3% so với 5 tháng đầu năm 2020 và tổng nhập khẩu đạt 878,2 tỷ EUR, tăng 12,7% so với 5 tháng đầu năm 2020./.

Hải Hà