Bất chấp vi phạm pháp luật vì lợi nhuận

Tại hội thảo, “Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp” do Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chủ trì tổ chức ngày 23/8, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, chỉ tính trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện 41.375 vụ vi phạm trên cả nước, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng và có mức độ phức tạp không hề nhỏ.

Nhức nhối vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả gia tăng

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Phúc Hải

Trong đó, có nhiều vụ thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp làm ăn chân chính; quyền lợi người tiêu dùng; uy tín của nền kinh tế Việt Nam; đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ hội chữa bệnh của người tiêu dùng, hệ lụy để lại cho mỗi người và toàn xã hội.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả là rất lớn, nên ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động buôn bán, lôi kéo, lừa đảo người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến thực tế thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả tăng là do ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng; thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, việc phòng chống vi phạm về thuốc và thực phẩm chức năng giả chưa đạt hiệu quả như mong muốn do sự vào cuộc của doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cũng thông tin, trong số mẫu thuốc tân dược bị làm giả đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó phân biệt.

"Chung tay" đấu tranh với nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả

Tại hội thảo, ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhận định, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy cần sự "chung tay" đấu tranh với nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.

Nhức nhối vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả gia tăng

Tang vật thuốc giả do lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ tại Hải Dương. Ảnh: TL

Để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín doanh nghiệp dược, bà Nguyễn Diệu Hà cho rằng, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty dược phẩm áp dụng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không như mong đợi. Công nghệ làm giả đã làm giả cả tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật.

"Mặc dù vậy, việc chống hàng giả, đặc biệt là chống nạn thuốc giả vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Do đó, Hiệp hội các doanh nghiệp Dược tại Việt Nam, mong muốn rằng cùng với công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả. Cùng với đó, các doanh nghiệp dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sức mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc”- bà Diệu Hà nói.

Đại diện cho lực lượng QLTT ông Nguyễn Đức Lê cũng cho rằng, cần có giải pháp chống giả hữu hiệu, làm sao để việc nhận biết thuốc thật và giả một cách chính xác, dễ dàng nhất. Cần có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận, áp dụng một cách triệt để có thể hỗ trợ cơ quan quản lý thị trường dễ dàng hơn khi thực thi nhiệm vụ, hóa giải những khó khăn tồn đọng. Đồng thời giúp lực lượng chức năng có cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của hồ sơ sản phẩm, tránh trường hợp bị cho là làm khó doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

"Cần có sự chung tay của toàn dân, trường hợp người tiêu dùng phát hiện hoặc nghi ngờ có gian lận thương mại, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hãy phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường dây nóng cho cơ quan có thẩm quyền để phát hiện và xử lý kịp thời"- ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống vi phạm, ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nắm tình hình, nhận diện những vấn đề phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm trong sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Trong đó, tập trung phương tiện, biện pháp, đánh đúng, đánh trúng các đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa vi phạm.