Những kỷ niệm không quên mang bản sắc doanh nghiệp lớn
Chuyển nhượng hệ thống siêu thị Mettro Cash & Carry là một trong những vụ việc được Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thực hiện thành công. Ảnh tư liệu

Xử lý những vấn đề khó, chưa từng có trong tiền lệ

Từ năm 2016, khi được bổ sung nhân sự cũng là lúc Tổng cục Thuế giao cho Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (DNL) được lập các đoàn thanh tra, thực hiện theo quy trình đầy đủ từ xây dựng kế hoạch, tổ chức phân tích nội dung, trình ban hành quyết định, tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế và chịu sự giám sát của Tổng cục theo quy chế. Có thể nói, Vụ Quản lý thuế DNL được giao thêm nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế thể hiện sự ghi nhận và niềm tin tưởng của Bộ và lãnh đạo Tổng cục Thuế dành cho Vụ từ kết quả thực tế của đơn vị qua nhiều năm.

Tin vào "ngày mai" của Vụ ngay từ những ngày đầu

Còn nhớ những ngày đầu tôi về đây, tuy tuổi nghề không ít, tuổi đời không còn trẻ nhưng với nhiệm vụ mới, xét theo thâm niên và kinh nghiệm quản lý thuế DNL thì tôi vẫn là người đi sau, là em của mọi người. Trải qua những ngày đầu họp mặt với cán bộ chủ chốt của Vụ Quản lý thuế DNL, làm việc nắm kỹ công việc của 2 phòng, tôi yên tâm hơn và có niềm tin vào tập thể, tin vào ngày mai của Vụ. Ông Nguyễn Văn Phụng

Cũng từ tính đa dạng, phức tạp, quy mô lớn của đối tượng quản lý, đặc biệt là những vấn đề của lịch sử đất nước từ những này đầu thực hiện công cuộc “đổi mới”, cho nên quá trình quản lý thuế DNL luôn phát sinh các việc khó, gắn với các sự kiện nhạy cảm, chưa có tiền lệ xử lý.

Có thể kể đến như những cam kết quốc tế “thu thiệt” trong quá trình chuẩn bị hội nhập, những thỏa thuận của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về “điều khoản thuế” trong các hợp đồng tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí; Các hợp đồng BOT thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất điện có điểu khoản “ổn định”.

Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, ý thức trách nhiệm cao và lòng tận tụy với công việc, lãnh đạo và công chức Vụ Quản lý thuế DNL luôn phát huy truyền thống của ngành, tích cực học hỏi kinh nghiệm, tập quán quốc tế, khai thác các quy định pháp luật trong nước, tìm hiểu pháp luật của nước chủ quản nhà đầu tư…, sau nhiều năm kiên trì đấu tranh và gặt hái được nhiều thành công.

Xin được kể lại những sự kiện lớn như, đã thu về cho đất nước 150 triệu đô la Mỹ từ vụ chuyển nhượng quyền khai thác dầu khí tại Lô 06.1, đồng thời tránh được vụ kiện quốc tế. Thắng vụ kiện của nhà thầu dầu khí tại Lô 12.W kiện Chính phủ Việt Nam về quy định ưu đãi đầu tư.

Vụ cũng đã thực hiện hòa giải thành công vụ kiện chuyển nhượng vốn gián tiếp ở ngoài Việt Nam của Tập đoàn Conoco-Philip (khi công ty mẹ tối hậu của tập đoàn chuyển nhượng vốn đầu tư quy mô toàn cầu, trong đó có 1 phần quyền khai thác mỏ trong Hợp đồng dầu khí tại Việt Nam).

Những sự kiện thành công này có sự đóng góp rất lớn của các công chức nhóm Dầu khí - Xăng dầu, điển hình như các đồng chí Lê Hải Châu, Nguyễn Sơn Hải, Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thuận Mai, Nguyễn Xuân Thi…, cùng sự phối hợp của các công chức thuộc cơ quan Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan.

Thực hiện nhiều đề án có sức lan tỏa lớn

Nhân đây, tôi chợt nhớ lại một vài sự kiện ấn tượng, kể cả trường hợp tại doanh nghiệp không thuộc danh sách Vụ Quản lý thuế DNL được theo dõi quản lý nhưng được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục giao cho Vụ phải thực hiện và đã thành công.

Đó là: Thương vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Mettro Cash & Carry. Trong thương vụ này, Vụ Quản lý thuế DNL đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh thu đủ thuế với những thủ tục “đặc thù” chưa có trong quy định. Từ kinh nghiệm này, Vụ Quản lý thuế DNL được Bộ, Tổng cục giao nhiệm vụ phối hợp với Vụ Thanh tra - Kiểm tra của Tổng cục Thuế thu đầy đủ số thuế phát sinh từ vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị BigC trên cả nước.

Cũng không thể quên được cuộc đấu tranh không khoan nhượng trong thanh tra giá chuyển nhượng tại Công ty V-Trach, từ các thông tin rà soát danh sách các cá nhân được nêu tên trong hồ sơ Panama, có công sức đóng góp của các đồng chí Nguyễn Tiến Hưng và Đỗ Xuân Hải. Đại diện theo pháp luật của họ là một trong số những nhà đầu tư vào Việt Nam rất sớm, có quan hệ với rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước tại thời điểm đó đã gây nhiều sức ép đến việc triển khai công tác của Vụ Quản lý thuế DNL.

Và còn rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ khác nhưng do dung lượng bài viết có hạn, tôi xin được kể vào dịp thích hợp khác. Mặc dù đã được nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn theo dõi thông tin và rất mừng là Cục Thuế DNL đã có một đội ngũ cán bộ trẻ, khỏe, tinh nhuệ, có trí tuệ tự xây dựng được chương trình phần mềm hỗ trợ cho công việc này, đưa “năng suất” giải quyết công việc gấp hơn chục lần so với giai đoạn tôi còn công tác.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Vụ Quản lý thuế DNL, nay là Cục Thuế DNL xin được gửi đến toàn thể anh, chị, em lời chúc sức khỏe, đoàn kết và thành công; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao phó.

Bền bỉ 8 năm đấu tranh để truy thu thuế về ngân sách

Trong quá trình gắn bó với Cục thuế DNL, tôi còn nhớ, có 1 vụ việc lâu dài nhất, khó khăn nhất là việc đấu tranh để thực hiện việc truy thu tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (suốt từ năm 2015 đến năm 2022 mới thực hiện xong).

Trong suốt quá trình phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, chỉ đạo và hỗ trợ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 4, Vụ Quản lý thuế DNL đã tốn nhiều công sức và trí tuệ để tìm các phương án tham mưu với cấp trên. Báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần do họ dùng sức ép ngoại giao và môi trường đầu tư để can thiệp, và cuối cùng chúng ta cũng bảo vệ được trước Bộ trưởng đề xuất thanh tra toàn diện. Đóng góp nhiều công sức trong thời gian dài xử lý thành công vụ việc này là Nhóm đầu tư nước ngoài, nổi bật là đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Phương Anh.

Hay như đề án triển khai dán tem công tơ đo đếm tại tất cả các cột đồng hồ bán xăng dầu trong toàn quốc; đề án Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận thông qua kiểm soát các giao dịch liên kết của khối doanh nghiệp FDI; đề án Quản lý thu thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không hiện diện tại Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Có thể nói, đây là một đề án lớn nhằm triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế trong bối cảnh Việt Nam tham gia Diễn đàn quốc tế về chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận. Kết quả của Đề án là sự ra đời Cổng thông tin điện tử NCCNN được Bộ Tài chính chấp thuận để Tổng cục Thuế đưa vào vận hành kể từ ngày 21/3/2022./.