Những uẩn khúc trong khả năng trần nợ công của Mỹ

Ảnh :CNBC

Theo ước tính, Chính phủ Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ này vào cuối tháng 10 và tháng 12.

Trần nợ công là gì?

Trần nợ công là giới hạn quy định bởi Quốc hội về số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay nợ. Giới hạn này được áp dụng đối với các khoản nợ công bất kỳ, bao gồm cả những người nắm giữ trái phiếu Mỹ và các quỹ tín thác của chính phủ liên bang.

Quốc hội đã đặt một vài giới hạn về nợ công lần đầu tiên vào năm 1917. Hiện nay, trần nợ công ở mức 18.113 tỷ USD.

Nâng trần nợ công có đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ được phép chi tiêu nhiều hơn? Câu trả lời là "Không". Nâng trần nợ công đơn giản là nhằm mục đích đảm bảo cho Bộ Ngân khố có thể vay khoản tiền cần thiết để thanh toán các khoản nợ đầy đủ và đúng hẹn.

Các khoản thanh toán này phải được thực hiện dành cho các dịch vụ và lợi ích được Quốc hội phê duyệt. Do đó, nâng trần nợ công giống như một giấy phép để tiếp tục trả nợ.

Quốc hội đã điều chỉnh trần nợ công bao nhiêu lần?

Quốc hội Mỹ thường xuyên điều chỉnh trần nợ công. Trung bình, trong một năm điều chỉnh hơn 1 lần. Kể từ năm 1940, trần nợ công đã được điều chỉnh 95 lần, theo nhiều cách khác nhau.

Tại sao phải đặt ra trần nợ công?

Về mặt lý thuyết, trần nợ công được đặt ra nhằm mục đích giúp Quốc hội kiểm soát chi tiêu.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy. Vấn đề là các quyết định nâng trần vay nợ thường được đưa ra không gắn liền với các chính sách về tăng chi tiêu hoặc cắt giảm thuế mà 2 yếu tố này đều có thể làm gia tăng thêm tình trạng thâm hụt.

Nguy cơ đóng cửa chính phủ ?

Nếu chỉ mình những thảo luận về trần nợ công có thể sẽ không gây ra việc chính phủ phải đóng cửa, tuy nhiên, cùng với các thảo luận khác về việc chi tiêu sắp tới có thể dẫn đến tình trạng này. Vào ngày 1.10, bắt đầu năm tài khóa, Quốc hội sẽ phải thông qua các dự luật về chi tiêu của liên bang để đảm bảo việc chính phủ mở cửa.

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc chính phủ đóng cửa sẽ làm cho tình trạng càng xấu đi và lãng phí, thậm chí có thể gây thiệt hại đến tăng trưởng nếu kéo dài. Tuy nhiên, việc chính phủ đóng cửa vẫn không rủi ro bằng việc Quốc hội không đưa ra những chính sách đúng lúc đối với trần nợ công.

Nếu Quốc hội không nâng trần nợ công ?

Không ai biết chắc chắn. Tuy nhiên, ít nhất niềm tin của các nhà đầu tư với Mỹ có thể sẽ sụt giảm./.

Mai Linh (Theo CNN Money)