Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt ở mức cao

Số liệu thống kê 9 tháng năm 2022 từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu (XK) ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%; nhập khẩu (NK) ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong 40,8 tỷ USD, XK nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%; chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18,4%; đầu vào sản xuất gần 1,9 tỷ USD, tăng 49,6%.

Đặc biệt, đến nay có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị XK cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6%; cao su trên 2,3 tỷ USD, tăng 7,8%; gạo trên 2,6 tỷ USD, tăng 9,3%; hồ tiêu khoảng 774 triệu USD, tăng 7,7%; sắn và sản phẩm sắn trên 1 tỷ USD, tăng 21%...

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt trên 3,1 tỷ USD; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 1,9 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt gần 3%  Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản 9 tháng của năm 2022 đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và
Với việc duy trì tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là trụ đỡ kinh tế. Biểu đồ: Nguồn Bộ NN&PTNT

Thứ trưởng Bộ NNN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm, hướng mạnh tới XK. Chúng ta đã xoay trục qua các thị trường khó tính, tăng cả khối lượng và giá trị”.

Để đạt những con số ấn tượng trên, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các đại sứ quán, tham tán tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, XK chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ NN&PTNT vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga, Braxin và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, gần nhất có 2 nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc, đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã XK lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ XK tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ XK cho các loại quả tươi như thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép XK sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, để đạt được mục tiêu cả năm 2022 như tốc độ tăng trưởng GDP, năm 2022 toàn ngành phải tăng trưởng 2,8 - 3,0%; tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản khoảng 55 tỷ USD - cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD, trong 3 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh. “Ngành nông nghiệp sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa, XK; tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường” - ông Phùng Đức Tiến nói.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, mặc dù hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường được đẩy mạnh, nhưng thị trường các nước phát triển luôn có những thay đổi, đòi hỏi cao về chất lượng, trong khi sản xuất trong nước theo cách thức truyền thống, người sản xuất chưa nắm được yêu cầu về của thị trường XK. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác XK nông lâm thủy sản thời gian qua. Vì vậy, đối với công tác xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy XK. "Bộ NN&PTNT sẽ chủ động cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực, thực phẩm"- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt gần 3%

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản 9 tháng của năm 2022 đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường cho nông sản Việt; tiếp tục phối hợp với cơ quan thương vụ Việt Nam, tham tán nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối ngành hàng nông sản với hiệp hội, doanh nghiệp các nước khối châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản. Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm gồm: nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản; chanh leo, dừa xuất khẩu đi Hoa Kỳ; bưởi XK sang Hàn Quốc; chanh leo XK sang Úc; cây có múi XK đi New Zealand. Đồng thời triển khai Nghị định thư về sầu riêng và hướng dẫn tạm thời đối với chanh leo XK sang Trung Quốc; chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống như chuối, thanh long, xoài, dưa hấu XK sang Trung Quốc.

Bộ cũng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp. Cùng với đó, trao đổi, hoàn thiện và thống nhất với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với chuối, thanh long, xoài, dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc; thúc đẩy việc đàm phán xây dựng Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối ớt, khoai lang...

Bất chấp mọi khó khăn, sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng

Tại Hội nghị “Chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm châu Á - Thái Bình Dương” diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức đầu tháng 10/2022, đại diện Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm chính, gia tăng sản lượng nông sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh cho rằng, trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn như giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng.

Sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam vẫn tăng trưởng cao so với các năm trước. Cụ thể, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33% so cùng kỳ năm 2021. Dự báo sản lượng thịt hơi của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt trên 7 triệu tấn. Sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2022 đạt hơn 6,6 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước và dự báo cả năm sẽ đạt khoảng 9 triệu tấn.

Hầu hết các loại nông sản khác của Việt Nam đều giữ vững được sản lượng, hoặc đạt sản lượng tăng cao so với các năm trước, như: hồ tiêu, điều, cà phê, chè, trái cây… vẫn duy trì và tăng lượng xuất khẩu, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và góp phần kiềm chế lạm phát giá nông sản, lương thực và thực phẩm trên toàn cầu.