PCI 2014

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014.

>> PCI 2014: Thêm thước đo để đánh giá 'sắc' hơn môi trường đầu tư các tỉnh

Về thứ hai sau Đà Nẵng là Đồng Tháp với 65,28 điểm và Lào Cai với 64,67 điểm. Kế tiếp đó là TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang...

Báo cáo PCI 2014 công bố kết quả điều tra cảm nhận của gần 10.000 DN và 1.500 DN FDI về chất lượng điều hành môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố. Điểm mới năm nay là báo cáo PCI có sự đánh giá của DN FDI về môi trường kinh doanh Việt Nam, đánh giá của DN Việt Nam về cơ hội và thách thức từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những kết quả về thực trạng quan hệ lao động tại các DN.

"Trên thực tế, chỉ số PCI đã tạo ra cuộc đua tranh, thúc đẩy các địa phương thay đổi nhanh hơn, hành động nhiều hơn trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN và đạt nhiều kết quả lớn. Xu hướng cải thiện chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố đã khá tích cực, điểm số trung vị của PCI 2014 đã tăng đáng kể so với những năm trước đó...", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu.

Bên cạnh đó, ông Lộc nhấn mạnh, cả DN trong và ngoài nước đều lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua phân tích về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với các quốc gia khác, các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam cần cắt giảm chi phí không chính thức, nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công, rà soát và đơn giản hóa các quy định để trở nên cạnh tranh hơn...

Tính đến nay, mô hình PCI đã có chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, đã luôn phản ánh chuẩn xác về môi trường kinh doanh tại các địa phương qua thước đo là sự hài lòng của DN đối với bộ máy công quyền.

Theo tổng kết của VCCI, trong 10 năm qua, VCCI đã phỏng vấn lấy ý kiến tổng số 88.000 DN. Bên cạnh đó, Dự án đã tổ chức 257 hội thảo với trên 42.000 lượt lãnh đạo, cán bộ tham gia./.

Tố Uyên