PV: Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát thì hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) lại rất phát triển. Xin ông cho biết kết quả thu thuế đối với hoạt động TMĐT của cục thuế từ đầu năm đến nay?

Ông Viên Viết Hùng: TMĐT là xu thế đang rất phát triển trên thế giới, cũng như ở nước ta. Trên địa bàn TP. Hà Nội, “bài toán” quản lý thuế đối với TMĐT đã được đặt ra. Đến thời điểm này, Cục Thuế TP. Hà Nội có thể khẳng định đã chủ động từng bước, kiên trì, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT. Chúng tôi cũng đã kiểm soát được hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn Hà Nội.

Phân nhóm để quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử
Ông Viên Viết Hùng

Hiện nay chúng tôi chia ra làm 5 nhóm đối tượng có hoạt động kinh doanh, hoặc có tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ trên nền tảng số và có thu nhập từ hoạt động này. Nhóm thứ nhất, đó là các cá nhân có dịch vụ cung cấp cho các nhà mạng lớn như Google Play, facebook, Apple Store, đây là nhóm các cá nhân có tri thức, có các dịch vụ cung cấp cho các nhà mạng, có thu nhập cao và có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Với tư cách là cơ quan quản lý thuế, chúng tôi trân trọng những người nộp thuế như vậy. Đây cũng là nhóm có số nộp thuế trong lĩnh vực TMĐT rất tốt cho Nhà nước.

Trước đây, Cục Thuế TP. Hà Nội đã rà soát, hỗ trợ, mời người nộp thuế đến tập huấn và hướng dẫn đăng ký, kê khai và nộp thuế. Hiện tại chúng tôi đã quản lý 465 cá nhân. Chúng tôi đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 108 cá nhân, hiện cũng đang rà soát 503 cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT.

Nhóm thứ hai, đó là nhóm hộ kinh doanh bán hàng onlie, Cục Thuế TP. Hà Nội đã nỗ lực tiến hành thu thập thông tin theo Luật Quản lý thuế. Chúng tôi đã thu thập được 32.800 địa chỉ bán hàng online, xác nhận có 3.388 địa chỉ có doanh số bán hàng trên 100 triệu đồng/năm được đưa vào quản lý thuế với số thuế nộp là 12 tỷ đồng. Hiện tại chúng tôi đang rà soát 2.056 cơ sở có hoạt động bán hàng online.

Nhóm thứ ba, là nhóm cá nhân cho thuê nhà thông qua các trang mạng như Agoda, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thu thập được 756 chủ cơ sở với 2.307 cơ sở kinh doanh cho thuê nhà với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.

Nguồn: Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 Infographic: T.L
Nguồn: Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 Infographic: T.L

Nhóm thứ tư, là nhóm các cá nhân phải trả phí cho các nhà mạng theo các dịch vụ quảng cáo. Tức là cá nhân là người Việt Nam có đăng tin quảng cáo qua các trang mạng nước ngoài và phải trả tiền cho các trang mạng này. Theo quy định của luật, cá nhân có hoạt động thuê dịch vụ này phải nộp thuế nhà thầu thay cho tổ chức nước ngoài.

Nhóm thứ năm là nhóm các doanh nghiệp, tổ chức điều hành các sàn TMĐT như Sen Đỏ, Tiki. Nhóm này thực hiện theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hiện tại chúng tôi đã phân loại từng nhóm và đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân này thực hiện đăng ký thuế, nộp thuế, kiểm soát hoạt động này đảm bảo các cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Trên thực tế các cá nhân trên địa bàn TP. Hà Nội đến giờ này cơ bản đã thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật khá tự giác, cơ quan thuế chỉ thực hiện kiểm soát theo quy định của Luật Quản lý thuế.

PV: Qua số liệu ông vừa cung cấp, ông có đánh giá gì về số thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2021 so với năm trước đó?

Ông Viên Viết Hùng: Số lượng người nộp thuế đưa vào quản lý thuế từ đầu năm 2021 đến nay tăng, tuy nhiên số thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2021 tương đương so với năm 2020. Vì trong năm 2020 chúng tôi đã triển khai chiến dịch quản lý thuế đối với hoạt động này, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế. Do đó, các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ thực hiện kê khai của cả những năm trước đó, vì thế số thu từ hoạt động này của năm 2020 là khá cao.

PV: Như ông vừa nói thì số thu từ nhóm có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài cao nhất. Nhóm cá nhân này cơ quan thuế đã có danh sách và chủ động tuyên truyền để họ chủ động kê khai thuế, hay cơ quan thuế phải nhắc nhở, xử phạt thưa ông?

Ông Viên Viết Hùng: Trong hoạt động kinh doanh TMĐT, số nộp ngân sách lớn nhất là khối doanh nghiệp, vì họ phải trả quảng cáo cho các nhà mạng ở nước ngoài. Nội dung này chúng tôi đưa vào nhóm quản lý thuế là các doanh nghiệp. Còn lại, hiện tại chúng tôi tập trung các giải pháp quản lý đối với cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT là chính, vì đây là đối tượng khó quản lý hơn. Còn đối với doanh nghiệp như tôi nói là đã được quản lý thuế theo quy định của luật.

Đối với hộ cá nhân, đúng là số thu lớn nhất tập trung vào các cá nhân cung cấp dịch vụ cho các nhà mạng nước ngoài. Cơ bản, sau khi cơ quan thuế nỗ lực tuyên truyền, người nộp thuế đã tự giác kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng đã rà soát, có đầy đủ danh sách để theo dõi, tuyên truyền, hỗ trợ trực tiếp để người nộp thuế thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để người nộp thuế tự giác thực hiện

Đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để người nộp thuế tự giác khai, nộp thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ tiếp tục thu thập thông tin, thực hiện đôn đốc, nhắc nhở để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Cơ quan thuế có đủ điều kiện theo quy định của luật để thu thập thông tin, kiểm soát việc kê khai thuế của người nộp thuế.