Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh |
PV: Nhằm đưa dòng vốn đầu tư công (ĐTC) vào xã hội, ngay từ đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động quản lý để thúc đẩy việc giải ngân tốt nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng gần 35% kế hoạch vốn được “hấp thu”, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Một trong những lý do cơ bản cần phải nhắc tới đầu tiên là việc phân giao vốn về cho từng dự án được các bộ, ngành, địa phương thực hiện chậm. Năm 2023, tiến độ giải ngân vốn ĐTC cũng chậm và cũng có nguyên nhân từ việc phân giao vốn ĐTC chậm, nhưng việc chậm này chỉ diễn ra đến hết tháng 2. Từ tháng 3 trở đi, gần như các bộ, ngành, địa phương đã phân giao hết vốn cho các dự án. Nhưng trong năm nay, tính đến hết tháng 7 rồi mà vẫn còn một lượng vốn khá lớn chưa được phân khai chi tiết. Việc thiếu nguyên, vật liệu cho đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án cao tốc, dự án trọng điểm quốc gia cũng đã phát sinh từ năm trước, nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết.
Còn 21.115,6 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện vẫn còn 21.115,6 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được triển khai phân bổ, chiếm 3,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 8.558,4 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 12.557,2 tỷ đồng. |
Đáng chú ý, 2 “đầu tàu” kinh tế của đất nước là Hà Nội và TP. HCM được Thủ tướng Chính phủ giao lượng vốn ĐTC rất lớn so với tổng vốn của cả nước. Song hiện nay, tiến độ giải ngân của 2 thành phố này chưa đạt yêu cầu, vì thế đã kéo tỷ lệ giải ngân của cả nước tụt xuống.
Nhưng theo tôi, khó khăn, vướng mắc cố hữu lâu nay của việc giải ngân chậm chính là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tiếp đến là viêc lập và thẩm định hồ sơ dự án. Thường những vướng mắc này phải giải quyết trong thời gian dài, do đó nhiều dự án chưa thể triển khai đã làm ảnh hưởng chung đến việc ĐTC thời gian qua.
PV: Những vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC là những vướng mắc đã “nói mãi”. Tại sao chúng ta đã chỉ ra được nguyên nhân rồi mà lại không giải quyết được triệt để, thưa ông?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Nói về việc này, chúng ta phải nói về việc quy hoạch và lập kế hoạch ĐTC trước tiên. Theo lẽ thông thường, quy hoạch tốt sẽ là cơ sở để xin dự án ĐTC hoặc vay vốn ODA. Do đó việc quy hoạch phải đảm bảo các tiêu chí như: ổn định, đồng bộ, lâu dài và phải mang tính khoa học. Sau đó mới đến việc lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc quy hoạch của chúng ta từ nhiều năm nay chưa đồng bộ. Do đó, khi được giao vốn mới “quay cuồng” đi chỉnh sửa nên đã mất rất nhiều thời gian.
Một khó khăn nữa là công tác đền bù, GPMB. Việc này đã được nêu ra rất nhiều và là nguyên nhân chủ yếu bộ, ngành, địa phương nào cũng gặp phải. Tuy nhiên, hiện vẫn vướng ở cách thức tính giá trị đất đai, cách đền bù…. nên công tác này cứ bị giằng co, kéo dài từ năm này sang năm khác.
Ngoài ra, việc chậm giải ngân còn có nguyên nhân sâu xa từ chính trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu có vướng mắc trong tầm kiểm soát của mình thì phải giải quyết ngay, nếu vượt tầm thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm. Làm được điều đó dự án sẽ “chạy” ngay.
Nhưng trong thực tế hiện nay, từ khâu quy hoạch cho đến khi lập dự án đã là 1 khoảng rất xa, đến khi triển khai thi công được lại còn một khoảng xa nữa, thế nên nhiều người vẫn mang tâm lý “làm cho xong” để xin được vốn mà không quan tâm nhiều đến những vấn đề như đã nêu. Rõ ràng ở đây, người đứng đầu đã thiếu tinh thần trách nhiệm nên vai trò chưa được phát huy.
Tuy nhiên, theo tôi, để giải ngân nhanh nguồn vốn ĐTC phải kết hợp nhiều yếu tố chứ không riêng ở một yếu tố nào. Nhưng, với những giải pháp đang được các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai, chúng ta vẫn hy vọng trong những tháng còn lại, hoạt động ĐTC sẽ tiến triển tốt hơn và tỷ giải ngân sẽ theo đúng mục tiêu của Chính phủ đề ra là đạt từ 95% trở lên.
PV: Ông có nói đến “hy vọng”. Theo ông, để biến hy vọng này thành hiện thực, cần phải chú trọng triển khai quyết liệt những giải pháp nào từ nay đến cuối năm?
GS.TS Đinh Trọng Thịnh: Hiện các luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở đã đi vào hoạt động, nên theo tôi, chúng ta cần nhanh chóng có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho từng luật. Đồng thời, cần xem xét lại Luật ĐTC để chỉnh sửa cho phù hợp với các luật này, đặc biệt là Luật Đất đai mới, để từ đó có giá đền bù GPMB phù hợp, được người dân và xã hội chấp nhận.
Một giải pháp cũng cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa theo tôi đó là, các bộ, ngành, địa phương phải thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ dứt điểm khó khăn về cung ứng vật liệu thi công. Tuy nhiên, tôi vẫn xin nhấn mạnh lại 1 lần nữa là cần phải quy trách nhiệm giải ngân vốn ĐTC cho người đứng đầu các ngành, địa phương để nâng cao trách nhiệm của họ. Có như thế chúng ta mới thực hiện được việc ĐTC và giải ngân vốn ĐTC tốt nhất, hiệu quả nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!