Vẫn có ý kiến không đồng tình Có ý kiến cho rằng không nên ưu tiên ngành công nghiệp này, vì không thể cạnh tranh được với các nước khác trong khu vực như: Thái Lan, Hàn Quốc khi chỉ vài năm nữa thị trường ô tô sẽ mở cửa hoàn toàn, thuế có thể về 0%. Như vậy, ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ ồ ạt về Việt Nam, lúc đó các DN của Việt Nam không thể cạnh tranh được. Tại Hội nghị phát triển ngành công nghiệp đến năm 2020 vừa được Bộ Công thương tổ chức sáng 23/12, ông Lê An Hải - Tham tán thương mại tại Thái Lan đặt câu hỏi: Tại sao lại đưa ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ tùng ôtô vào diện ưu tiên đến năm 2020, trong khi thuế mặt hàng ô tô đã giảm xuống còn 50-60%, đến năm 2018 giảm xuống 0%? Và tại sao lại chỉ đưa ra định hướng đến năm 2020, trong khi chỉ còn vài năm nữa là kết thúc. Sau năm 2020 một số ngành ưu tiên này có còn được ưu tiên nữa không? Vẫn còn những ý kiến khác nhau về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô. Ảnh: MN. Ông Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng Bản chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020 cho biết, việc lựa chọn ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô vào chiến lược là vì đây là một ngành có mức độ lan tỏa rất lớn, tác động mạnh đến các ngành kinh tế khác. Đưa ngành này vào chiến lược phát triển công nghiệp cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, phù hợp với đánh giá của các chuyên gia nước ngoài về một thị trường đầy tiềm năng. “Theo đáng giá của các DN Nhật Bản, thì thị trường của nước ta là một thị trường đầy tiềm năng. Đến năm 2025 Việt Nam sẽ xuất hiện ôtô hóa nền kinh tế. Lúc đó, nhu cầu ôtô rất phổ thông”, ông Giám cho hay. Một lý do nữa, theo ông Giám đó là việc phát triển xe vận tải nhỏ phục vụ cho thị trường nông thôn, thay thế xe công nông là một đòi hỏi cần thiết. Bên cạnh đó, xe bus nhỏ, xe khách nhỏ phục vụ thị trường trong nước cũng rất cần trong thời gian tới. Kỳ vọng lớn cho ngành công nghiệp ôtô phụ trợ Thứ trưởng Bộ Công thương, Lê Dương Quang cũng cho rằng, thời gian gần đây dư luận phản ánh việc thực hiện chiến lược ngành công nghiệp ô tô thất bại là không công bằng. “Nếu xem xét một cách nghiêm túc, khách quan thì chúng ta bước đầu đã hình thành được ngành công nghiệp ôtô. Dù đối với xe con, chúng ta không đạt được sản lượng như mong muốn cũng như tỷ lệ nội địa hóa, nhưng với xe tải, xe khách, chúng ta đã nội địa hóa được 40%. Và đã hình thành các tập đoàn chuyên sản xuất ô tô như Trường Hải”- Thứ trưởng Quang giải thích. Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, trong năm vừa qua, ngành công nghiệp phụ tùng ôtô của nước ta đã xuất khẩu hàng tỷ USD. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ trở thành nước sản xuất phụ tùng ôtô nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Chúng ta không có tham vọng trở thành một nước sản xuất ôtô lớn như Thái Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng ta chỉ mong muốn sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước về các chủng loại xe tải nhỏ, xe bus, và một số loại xe chuyên dụng khác. Nhưng đối với ngành công nghiệp phụ tùng ôtô, với một số chi tiết, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành nhà sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng phụ tùng ôtô toàn cầu”, Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh./.

Nhật Minh