Phát triển hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long cần sự chung tay từ “3 nhà”
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cái Cui. Ảnh: CTV

Nhiều điểm nghẽn

Theo thống kê năm 2021, ÐBSCL đóng góp 31,37% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước. Trong đó, sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%; đồng thời ÐBSCL cũng đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Với những lợi thế đó, ÐBSCL được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước… Tuy nhiên, ÐBSCL lại là khu vực có chi phí logistics cho hàng nông, thủy sản cao nhất, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm.

Hiện ÐBSCL chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước.

Theo các chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ÐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất, đến khâu phân phối, tiêu thụ ra thị trường.

Cũng do chi phí logistics quá cao đã trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại ÐBSCL.

Hiện hạ tầng cho logistics của “vựa nông sản” lớn nhất cả nước này còn chưa phát triển, thiếu liên kết và đồng bộ. Trong khi đó hàng nông, thủy sản đòi hỏi phải vận chuyển nhanh, hoặc thu hoạch xong có nơi bảo quản, sơ chế đúng, đủ tiêu chuẩn.

Ngoài ra, phát triển logistics tại ÐBSCL còn đối mặt với nhiều khó khăn như việc liên kết giữa các bên liên quan để khai thác hiệu quả nguồn hàng hóa dồi dào và các dịch vụ hỗ trợ chưa được quan tâm; thiếu nhân lực về logistics…

Cần ý thức chung từ “3 nhà”

Theo Quyết định 1012/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ÐBSCL sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động.

Mới đây nhất là Quyết định 287/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Ðây là những tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển logistics, từ đó góp phần đưa hàng hóa của vùng vươn tầm khu vực và thế giới.

Phát triển hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long cần sự chung tay từ “3 nhà”
Hàng hóa vận chuyển từ ĐBSCL về TP. Hồ Chí Minh qua trạm thu phí. Ảnh: Gia Cư

Theo ông Nguyễn Quang Thạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Logistics Hoàng Hà, phát triển các chuỗi cung ứng lạnh là hết sức cần thiết đối với ÐBSCL. Bởi một chuỗi cung ứng lạnh cho nông sản ÐBSCL sẽ giúp loại bỏ các mối nguy trong bảo quản thực phẩm; giảm sự sai sót nhiệt độ trong chuỗi bảo quản lạnh; tăng chất lượng sản phẩm; kéo dài tuổi thọ bày bán của sản phẩm; đảm bảo chất lượng tại các điểm bàn giao từ nhà cung cấp đến nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ.

Để phát triển logistics cần ý thức chung từ “3 nhà”: nhà nông, nhà xuất khẩu và nhà cung ứng dịch vụ logistics.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều có chung nhận xét, lâu nay tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp là sản xuất ra hàng hóa ở ÐBSCL thì đưa hàng xuất khẩu tại các cảng của ÐBSCL. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vẫn đưa hàng lên cảng Cát Lái của TP. Hồ Chí Minh tập kết, xuất khẩu.

Lý do bởi cảng Cát Lái có hạ tầng tốt, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn, thông tin nhanh, chính xác. Đặc biệt, thông qua kiểm tra trên hệ thống điện tử hiện đại, doanh nghiệp biết chính xác container của mình nằm ở vị trí nào, đường đi của hàng tới đâu, lộ trình sắp tới sẽ như thế nào. Vì vậy, muốn phát triển logistics tại ÐBSCL, đòi hỏi phải kéo được mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ, phát triển các dịch vụ đi kèm.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lớn cho rằng, logistics là đường dẫn sản phẩm ra thị trường, là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; đồng thời tối ưu hóa chu trình luân chuyển hàng hóa, sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, ÐBSCL cần tập trung phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản bằng đường thủy nội địa và đường biển; phát triển chuỗi cung ứng nông sản hiện đại, các mô hình chợ đầu mối, chuỗi cung ứng lạnh, chuỗi cung ứng số, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các khu công nghiệp cần thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư, chế biến nông sản, các kho dây chuyền bảo quản, sơ chế, làm mát trước khi đóng hàng vào container để sẵn sàng xuất khẩu.