lua

Lấy mẫu xét nghiệm chất lượng lúa hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội)

Phát triển công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xem là mở hướng mới cho nông nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN về xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ – góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam.

* PV: Thưa Bộ trưởng, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang hình thành và có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trên thế giới, thậm chí một số quốc gia có tốc độ tăng trưởng đến 15%/năm. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về xu hướng này?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sản xuất tiêu thụ nông sản hữu cơ đang là một trào lưu của thế giới, đặc biệt trong khoảng 10 năm gần đây. Hiện tổng diện tích canh tác hữu cơ thế giới chiếm khoảng 71 triệu ha, tương đương 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như Hoa Kỳ, Australia và châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất NNHC rất nhanh. Theo Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ thế giới, đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm NNHC. Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những xu hướng tiến bộ và tất yếu của thế giới, bởi vì sản xuất NNHC đảm bảo các lợi ích căn cốt như: tạo ra dòng sản phẩm rất bổ ích, giàu dinh dưỡng, an toàn; góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường, bảo vệ các tài nguyên trong suốt quá trình canh tác nông nghiệp. Đồng thời, phương thức canh tác hữu cơ cũng đảm bảo đa dạng sinh học. Vì vậy, sản xuất hữu cơ không chỉ có tác dụng cho người tiêu dùng mà còn có tác dụng lớn cho người sản xuất, cho sự phát triển hiện tại và tương lai.

cuong
Bộ trưởng
Nguyễn Xuân Cường

* PV: Dù đi sau nhiều quốc gia nhưng Việt Nam đã có tên trong danh sách 178 quốc gia sản xuất NNHC phát triển nhanh, với nhiều sản phẩm xuất khẩu vào thị trường lớn. Nông nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để đón xu hướng này, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Với xu hướng tiến bộ đó, Việt Nam không đứng ngoài dòng chảy chung. Trong vòng 4 năm gần đây, Việt Nam đã thúc đẩy rất nhanh việc hình thành hệ sinh thái của sản xuất NNHC. Năm 2017, Việt Nam tổ chức nhiều diễn đàn lớn về sản xuất NNHC, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 109 về NNHC và Bộ NN&PTNT cũng ban hành thông tư hướng dẫn sản xuất NNHC. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030. Đây là khuôn khổ pháp lý, định hướng kế hoạch tổng thể cho hoạt động sản xuất NNHC. Trên cơ sở những thành tố của hệ sinh thái đó, NNHC Việt Nam đã được các thành phần kinh tế, bà con nông dân hưởng ứng.

Đến nay Việt Nam có 46/63 tỉnh, thành phố có tổ chức sản xuất NNHC, với diện tích 233.000 ha và huy động được 60 DN tham gia trực tiếp sản xuất NNHC, với khoảng trên 200 hợp tác xã và 173 nghìn hộ nông dân. Đáng chú ý, năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu 330 triệu USD sản phẩm nông sản hữu cơ. Rõ ràng đây là kết quả bước đầu rất tích cực và chứng tỏ xu hướng lan tỏa rất nhanh về sản xuất NNHC của Việt Nam.

* PV: Thưa Bộ trưởng, Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030 nhằm phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về NNHC của các vùng miền và địa phương. Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối để thực hiện đề án này, bộ sẽ có giải pháp gì để thúc đẩy phát triển NNHC và đạt mục tiêu mà đề án đặt ra?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ, phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng đề án, dự án phát triển NNHC đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương như đất đai, hạ tầng, giống, công nghệ sản xuất hữu cơ... phục vụ cho phát triển NNHC.

Bộ NN&PTNT với vai trò là cơ quan quản lý sản xuất nông nghiệp đang triển khai tổ chức đến các tỉnh, thành phố, các thành phần kinh tế và kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam để triển khai tích cực các nhiệm vụ đó.

330 triệu USD là giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam, năm 2020.

Nguồn: Bộ NN&PTNT

Thứ nhất, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các tỉnh xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ để thực hiện mô hình NNHC. Thứ hai, Bộ NN&PTNT đang hoàn thành cơ chế chính sách để thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia sản xuất NNHC; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo nguồn lực trong chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân khi tham gia quá trình sản xuất NNHC. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với 7 vùng kinh tế xã hội để xây dựng mô hình NNHC đối với từng đối tượng sản xuất như cây con, thủy sản, gỗ, dược liệu…, trên cơ sở thực tiễn và từ đó lan tỏa sâu rộng đến sản xuất đại trà. Bộ cũng tiến hành đánh giá, có kiến nghị và hướng triển khai để cố gắng thực hiện đề án này tích cực nhất, hiệu quả nhất trong đời sống sản xuất.

* PV: EU là một trong những thị trường lớn đối với nông nghiệp Việt Nam và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8. Sản phẩm NNHC đóng vai trò như thế nào đối với thị trường này và chúng ta làm gì để thúc đẩy phát triển sản phẩm hữu cơ vào thị trường tiềm năng này, thưa Bộ trưởng?


- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: EU đang là thị trường đứng vị trí thứ hai về tiêu thụ nông sản Việt Nam. Bộ NN&PTNT đánh giá đây là một thị trường tiềm năng và cũng là thị trường truyền thống về tiêu thụ nông sản Việt Nam. Đặc biệt, trong quy mô về thương mại nông sản hữu cơ, toàn thế giới đạt khoảng 120 tỷ USD, riêng thị trường EU đã chiếm tới gần 50%. Do đó, rõ ràng đây là thị trường tiềm năng về tiêu thụ nông sản nói chung, trong đó đặc biệt là nông sản hữu cơ với tốc độ tăng trưởng khoảng 4 đến 5%. Khi EVFTA có hiệu lực, Bộ NN&PTNT coi đây là thị trường tiềm năng để phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương, từ đó đẩy mạnh tổ chức công tác thương mại cho thị trường này để khuyến khích bà con nông dân, các thành phần kinh tế, nhất là 60 doanh nghiệp chuyên sản xuất nông nghiệp hữu cơ khai thác tốt lợi thế của thị trường này.

* PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Các địa phương phải phát huy vai trò của mình


“Địa phương là nơi trực tiếp cuối cùng để thực hiện đề án của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, không ai làm thay địa phương được. Ngoài chính sách chung, địa phương căn cứ nguồn lực của mình và có thêm những chính sách khuyến khích để thực hiện đề án và phải cụ thể hóa các chính sách đó. Chính địa phương mới có điều kiện mời gọi các thành phần kinh tế, doanh nghiệp vào làm “rường cột” cùng bà con nông dân và chính địa phương mới hiểu được tài nguyên đất đai, lợi thế cây con, đặc sản để lựa chọn phối hợp triển khai. Chúng tôi đánh giá địa phương có vai trò quyết định trong việc tổ chức thực hiện đề án”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Nam Khánh (thực hiện)