Chú thích ảnh
Ảnh minh họa
Khép phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đã tăng 1,31 USD (1,7%) lên 78,93 USD/thùng. Trong phiên này, dầu WTI đã có lúc tăng hơn 2% lên mức cao 79,48 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 7 năm. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,3 USD (1,6%) lên 82,56 USD/thùng. Trước đó dầu Brent đã đạt mức cao của ba năm là 83,13 USD/thùng.

Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã nới rộng đà tăng đạt được trong phiên 4/10, với mức tăng hơn 2% mỗi loại.

Ngày 4/10, OPEC+ đã nhất trí tuân thủ thỏa thuận đạt được hồi tháng 7/2021, trong đó tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2021, để bù đắp dần lượng cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày trong kế hoạch hạn chế sản lượng hiện có.

Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group tại Chicago (Mỹ) cho biết, thị trường nhận thấy nguồn cung có thể thắt chặt trong vài tháng tới, trong khi OPEC có vẻ hài lòng với tình hình đó.

Cuối tháng trước, Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp của OPEC+ (JTC) dự báo việc nguồn cung sẽ thiếu hụt 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, có thể chuyển thành dư thừa 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022.

Bất chấp sức ép tăng sản lượng, OPEC+ lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lần thứ tư có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu.

Gary Cunningham, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, cho biết, giá khí đốt tự nhiên toàn cầu đang tăng vọt, có thể khuyến khích một số nhà máy phát điện chuyển từ khí đốt sang dầu, có nghĩa là giá dầu thô có khả năng vẫn được hỗ trợ mặc dù có thể có một đợt giảm giá ngắn hạn.

Theo ông Gary, giá dầu Brent dự kiến sẽ tìm thấy ngưỡng hỗ trợ 80 USD/thùng, còn dầu WTI trong khoảng giữa 70 USD/thùng.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về kho dự trữ dầu thô của Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, công bố ngày 6/10 để có hướng giao dịch. Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ có thể đã giảm vào tuần trước.