Danh sách “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” năm 2022 được Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp của Forbes (Mỹ) để xếp hạng các công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất, đang được niêm yết trên sàn HOSE và HNX, với các tiêu chí quan trọng như: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu - lợi nhuận; tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE); lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROC); tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giai đoạn 2016 – 2021; vị thế công ty trong ngành; nguồn gốc lợi nhuận; chất lượng quản trị; triển vọng phát triển, phát triển bền vững…

PV GAS lần thứ 10 liên tiếp trong “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” năm 2022
Ông Trương Hồng Sơn – Thành viên HĐQT PV GAS (thứ 4 từ phải qua) nhận vinh danh của Forbes Việt Nam

Để lọt được vào danh sách này, các công ty niêm yết được đánh giá qua nhiều bước. Forbes Việt Nam cho biết, ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lợi nhuận trong năm tài chính 2021, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng. Ở vòng kế tiếp, các công ty được tính toán chấm điểm định lượng trên các tiêu chí: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016-2021.

Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng phát triển ngành… Vốn hóa các công ty được chốt vào thời điểm cuối tháng 5/2022.

PV GAS lần thứ 10 liên tiếp trong “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” năm 2022
PV GAS 10 năm liên tiếp được Forbes vinh danh “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam"

Công bố danh sách vinh danh 2022, Forbes Việt Nam nhận định: Đại dịch COVID-19 ghi dấu trong Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam lần thứ 10. Các công ty trong danh sách đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) và sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có kết quả kinh doanh và tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021 và giai đoạn 2016-2021. Phần lớn các công ty trong danh sách là các công ty đầu ngành hoặc đã xác lập được lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực hoạt động. Trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, bên cạnh PV GAS còn có 2 đơn vị được Forbes tôn vinh là: Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau và Tổng công ty CP Phân bón và hóa chất dầu khí.

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty trong danh sách đạt 193.183 tỉ đồng, tăng 10,7% so với danh sách năm ngoái. Tổng doanh thu các công ty trong danh sách đạt 1.192.754 tỷ đồng. PV GAS đứng trong Top 5 công ty có doanh thu và lợi nhuận ấn tượng nhất.

10 năm là khoảng thời gian tương đối dài để đánh giá những sự thay đổi. Vào năm 2013, Forbes Việt Nam lần đầu tiên thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất. Trải qua một thập niên, có 138 doanh nghiệp được vinh danh nhưng chỉ có chín công ty có mặt đầy đủ tất cả 10 lần gồm: Bảo Việt, Dược Hậu Giang, FPT, PV GAS, Hòa Phát, Masan Group, REE, Vietcombank và Vinamilk.

Cơ cấu doanh nghiệp trong danh sách cũng phần nào phản ánh cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển từ những ngành khai thác tài nguyên thô và thâm dụng lao động sang lĩnh vực dịch vụ, sản xuất có hàm lượng chất xám và kỹ thuật cao hơn.

Một lát cắt khác cho thấy những sự thay đổi, sự lớn mạnh của các công ty niêm yết và cả nền kinh tế Việt Nam sau một thập niên. Trong Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất đầu tiên của Forbes Việt Nam, “CLB các công ty tỷ đô” chỉ có sáu cái tên nhưng trong danh sách năm 2022 có 22 công ty vốn hóa trên một tỷ đô la Mỹ. Tổng doanh thu của các công ty trong danh sách năm 2022 gấp ba lần tổng doanh thu của danh sách năm 2013.

Như thường lệ, lễ tôn vinh “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2022” phối hợp tổ chức cùng Diễn đàn kinh doanh thường niên. Nhằm cung cấp góc nhìn toàn cảnh về môi trường kinh doanh và những tầm nhìn bền vững cho tương lai, Diễn đàn kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam có chủ đề Tái tạo tăng trưởng. Diễn đàn quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế, chia sẻ góc nhìn và thảo luận về viễn cảnh kinh doanh, các cơ hội và thử thách, các chương trình chuyển đổi số, gợi mở hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp và xu hướng công nghệ mới nhất trong kinh doanh.

Sự kiện quy tụ hơn 200 khách mời là các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu, cùng thảo luận về các cơ hội và thách thức trong trong thời kỳ biến động, với những chủ đề của các phiên thảo luận rất thiết thực: đâu là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng như các rào cản và thách thức trên con đường trở thành một con hổ mới của châu Á; nguy cơ lạm phát Việt Nam năm 2022 được đánh giá ở mức độ cao hay thấp hơn so với thời điểm năm 2008 và 2011; các doanh nghiệp thành công trên con đường phục hồi và phát triển, xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa trên sức mạnh của công nghệ như thế nào; doanh nghiệp phải giải quyết bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường như thế nào…