quảng bình

Ảnh đoàn thuyền giã cào của xã Hải Thành, Đông Phú neo đậu 2 tháng nay chờ kinh phí đền bù để tu sửa thuyền ra khơi đánh bắt cá. Ảnh: Trần Đình Quý

Đây là hội nghị quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc chi trả đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, đồng thời thực hiện các giải pháp cứu đói và giải quyết tôn tạo các công trình sau lũ lụt.

Sự cố môi trường xảy ra tại Quảng Bình là nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về kinh tế, môi trường, xã hội, an ninh, chính trị cả trước mắt và lâu dài đối với 18 xã sát biển và 32 xã nghèo bãi ngang, cồn bãi trên 100.000 người dân đang sống chủ yếu về nghề biển và phục vụ cho nghề biển. Tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp khắc phục hậu quả sự cố xẩy ra trên địa bàn với nhiều biện pháp, chủ động nắm tình hình, xử lý các tình huống phức tạp xẩy ra, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây mất an ninh trật tự.

Thực hiện Quyết định 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ sự cố môi trường biển, UBND tỉnh đã trích ngân sách cấp hỗ trợ 1.818 tấn gạo cho 16.763 hộ với 70.114 khẩu. Ngoài ra, UBND tỉnh trích ngân sách dự phòng 17,013 tỷ để hỗ trợ cho tàu lắp máy 90 CV và tàu không lắp máy (5 triệu và 3 triệu), 2,8 tỷ đồng hỗ trợ cho tàu đánh cá gần bờ 2.800 tàu (do cấm đánh bắt) và 13,2 tỷ hỗ trợ khôi phục sản xuất với tàu cá xa bờ.

Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ 20% giá cho 44 cơ sở thu mua 1.800 tấn hải sản cho 776 tàu với giá trị 133 tỷ đồng. Các ngân hàng cho vay mua tàu trừ 415,9 tỷ đồng; ngừng tính lãi suất trong 6 tháng kể cả bà con ngư dân là chủ tàu đã hoàn thành việc đóng tàu đưa vào khai thác, sử dụng nhưng không bán được cá đã khai thác.

Từ khi có Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do có nguồn của Formosa đền bù cho các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, thực hiện hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện kê khai, xác định thiệt hại.

Theo kết quả kê khai, tổng giá trị thiệt hại theo định mức được ban hành của Thủ tướng Chính phủ là hơn 2.138 tỷ đồng, trong đó về khai thác thủy sản có 7.584 tàu, lao động 14.372 người với giá trị thiệt hại là hơn 1.171,3 tỷ đồng. Về nuôi trồng thủy sản 1.580 ha giá trị thiệt hại là 319,922 tỷ đồng; về diện tích nuôi 76,9ha, giá trị thiệt hại là 18,165 tỷ đồng; về lao động trực tiếp bị thiệt hại 26.672 người, giá trị thiệt hại 442,39 tỷ đồng, lao động gián tiếp bị thiệt hại 10.667 người giá trị thiệt hại 186,246 tỷ đồng.

Sau khi xác định giá trị thiệt hại, UBND tỉnh trình các bộ ngành Trung ương số thiệt hại đã được niêm yết tại trụ sở UBND xã và chuẩn bị thanh toán cho các đối tượng thiệt hại đề họ có điều kiện khôi phục sản xuất, tàu thuyền để ra khơi bám biển đánh bắt cá. Việc chi trả sẽ được thực hiện trong tháng 11/2016 (sau Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế).

Cùng với đó, trong tháng 10 và 11/2016, Quảng Bình còn bị thiệt hại nặng nề bởi lũ lụt, làm 25 người thiệt mạng trong 2 đợt lũ; bị thương 39 người; tổng giá trị thiệt hại về vật chất cả hai đợt là 2.819,48 tỷ đồng.

Đề giải quyết khó khăn của nhân dân, UBND tỉnh và các tổ chức tỉnh đã trích ngân sách để ủng hộ, đồng thời các cơ quan của tỉnh, mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế đã trực tiếp xuống vùng lũ để ủng hộ bà con.

Nhằm khắc phục hậu quả sau lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 5.000 tấn gạo cứu đói, 500 tấn giống cây trồng các loại phục vụ cho sản xuất vụ đông, hỗ trợ 800 tỷ đồng để khối phục sự cố các công trình đê đập, đường sá, trường học và các công trình khác bị hư hỏng, hỗ trợ vật tư thuốc để xử lý dịch bệnh.

Quảng Bình cũng rất cần sự hỗ trợ, đùm bọc của bà con trong nước, kiều bào nước ngoài hỗ trợ vật chất để Quảng Bình sớm ổn định sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

Trần Đình Quý