Theo ông Nguyễn Công Thái, trong gần 20 năm qua, các giá trị của Vịnh Hạ Long được bảo tồn bền vững, đồng thời tỉnh Quảng Ninh đã khai thác được lợi thế của Vịnh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác quản lý Nhà nước, bảo tồn di sản đòi hỏi ngày càng phải đáp ứng yêu cầu cao hơn, chất lượng dịch vụ phải tốt hơn,… Trong khi đó, hiện nay theo đánh giá từ khách du lịch thì chất lượng dịch vụ, hạ tầng du lịch trên Vịnh Hạ Long thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, chưa xứng tầm với một di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới.

“Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương tách chức năng, nhiệm vụ làm dịch vụ, khai thác, thu phí Vịnh Hạ Long ra khỏi Ban Quản lý Vịnh để đơn vị chuyên sâu, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với di sản, tham mưu cho tỉnh để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị Vịnh Hạ Long. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng chủ trương xã hội hoá bằng cách mời các cơ quan, đơn vị tham gia quản trị việc khai thác dịch vụ, thu phí nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với Vịnh Hạ Long…”, ông Thái nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Hồng Cẩm cho biết, thời gian qua dư luận đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh chỉ giao quyền quản trị công tác khai thác, dịch vụ, thu phí Vịnh Hạ Long chứ không phải là bán như một số thông tin đăng tải.

“Mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia xây dựng phương án, đề xuất có chất lượng, hiệu quả theo đúng chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh; đồng thời, UBND tỉnh sẽ lựa chọn được phương án tối ưu nhất để quản trị công tác khai thác dịch vụ, thu phí Vịnh Hạ Long”, ông Cẩm nhấn mạnh./.

Nhóm PV thường trú tại Quảng Ninh