Quảng Ninh: Khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIV Cục Thuế Quảng Ninh: Nỗ lực cán đích thu ngân sách 42.000 tỷ đồng

Phân tích rõ những hạn chế

Phát biểu tại Hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PAR Index và SIPAS tỉnh Quảng Ninh năm 2021 diễn ra ngày 20/7, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, chỉ số PAR Index và SIPAS do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức công bố hàng năm được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm.

Đây là những công cụ để tỉnh đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác CCHC, sự hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh.

Hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số cũng là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, nhất là người đứng đầu đánh giá, nhìn nhận, suy ngẫm lại kết quả triển khai các nội dung liên quan tới CCHC thời gian qua, cũng như phân tích, thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan liên quan tới con người, tổ chức, bộ máy, quy trình, công nghệ, từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn nữa các chỉ số thành phần.

Quảng Ninh: Đánh giá chất lượng và hiệu quả của cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại hội nghị.

Năm 2021, sau 4 năm ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX (từ năm 2017 đến 2020), Quảng Ninh xếp ở vị trí thứ hai với tổng điểm là 91,14/100 điểm, thấp hơn địa phương xếp thứ nhất là thành phố Hải Phòng 0,66 điểm.

Quảng Ninh: Cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước tỉnh về Chỉ số thành phần và thứ hạng PAR INDEX, SIPAS
Quang cảnh Hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PAR Index và SIPAS tỉnh Quảng Ninh năm 2021.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành của tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra, phân tích rõ, trong số 8 lĩnh vực đánh giá, Quảng Ninh có 5/8 lĩnh vực giảm thứ hạng so với năm 2020. Cụ thể là các lĩnh vực: cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính, tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặc dù là đơn vị dẫn đầu cả nước về Chỉ số SIPAS, nhưng so với năm 2019, 2020 Chỉ số SIPAS của tỉnh Quảng Ninh giảm lần lượt là 1,12% và 1,69% (năm 2019 tỷ lệ hài lòng đạt 95,26%, năm 2020 đạt 95,76%). Trong đó, cả 5/5 tiêu chí đều có tỷ lệ đánh giá hài lòng năm 2021 giảm so với năm 2020, cụ thể: tiếp nhận, xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị giảm 1,43%; kết quả giải quyết TTHC giảm 1,39%...

Ở lĩnh vực cải cách TTHC của tỉnh Quảng Ninh năm 2021 đạt 13,47/13,5 điểm, số điểm chưa đạt là 0,03 điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 5 bậc so với năm 2020.

Nguyên nhân là do số lượng hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn ở cả 3 cấp của tỉnh có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Nếu như năm 2020 ở cấp tỉnh có 37 hồ sơ quá hạn, cấp huyện là 436 hồ sơ, cấp xã không có hồ sơ quá hạn, thì đến năm 2021 số hồ sơ quá hạn ở cả 3 cấp đã tăng cao với cấp tỉnh quá hạn 144 hồ sơ, cấp huyện quá hạn 3.784 hồ sơ, cấp xã quá hạn 618 hồ sơ.

Phân tích từng chỉ số, Quảng Ninh đã chỉ rõ hài lòng về tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị là tiêu chí đánh giá luôn có tỷ lệ hài lòng thấp nhất trong 5 tiêu chí đánh giá trong 5 năm qua với tỷ lệ hài lòng dao động từ 85,91% đến 92,69%.

Trong đó năm 2021 tỷ lệ đánh giá hài lòng ở tiêu chí này đạt 91,26%. Quảng Ninh có tỷ lệ đánh giá hài lòng tại tiêu chí này thấp do một số nguyên nhân. Cụ thể như: Việc trả lời hoặc gửi thông báo cho người dân về kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị còn chưa kịp thời. Hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của một số đơn vị chưa thật sự hợp lý, chưa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh, kiến nghị đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Một số người dân, tổ chức có tâm lý ngại đưa ra ý kiến đánh giá, góp ý do không muốn ảnh hưởng đến các nội dung mà cá nhân đang yêu cầu giải quyết.

Đưa các giải pháp cụ thể

Trên cơ sở đánh giá cụ thể từng tiêu chí, chỉ số, lĩnh vực của bảng xếp hạng PAR INDEX, SIPAS, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra từng giải pháp để khắc phục những tồn tại.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh xác định đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển, với phương châm thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo…

Quảng Ninh: Cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước tỉnh về Chỉ số thành phần và thứ hạng PAR INDEX, SIPAS
Các tập thể có thành tích xuất sắc được tặng bằng khen của UBND tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị nhận thức rõ trọng trách là người đứng đầu quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương, quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”.

Quảng Ninh đã phân công nhiệm vụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị. Sở Nội vụ chủ động, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp khắc phục các tồn tại hạn chế của các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS tỉnh Quảng Ninh năm 2021 nhằm duy trì, nâng cao điểm số và thứ hạng của các chỉ số trong năm 2022 và các năm tiếp theo; giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo hoặc bỏ trống chức năng, nhiệm vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng gắn với từng con người, từng chức danh công việc cụ thể nhằm đạt tỷ lệ 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định; kịp thời tham mưu xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quảng Ninh: Đánh giá chất lượng và hiệu quả của cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân
Đồng chí Nguyễn Tường Văn- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh phát biểu kết luận và giao nhiệm vụ tại hội nghị.

Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh CCHC là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, ông Nguyễn Tường Văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cần bám sát các nội dung nghị quyết; thực hiện nghiêm chế độ làm việc của các cơ quan, địa phương, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chất lượng thực thi các chính sách; đổi mới quy trình giải quyết, đơn giản hóa TTHC tại các trung tâm phục vụ hành chính công, khắc phục triệt để tình trạng hồ sơ chậm, quá hạn; chuẩn hóa, số hóa, hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh; làm tốt hơn nữa các nội dung cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức, tài chính công và công tác kiểm tra, giám sát, phản biện, xử lý ý kiến, kiến nghị.