8 tháng năm 2022, tình hình kinh tế vĩ mô của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 2,88%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 35.938 tỷ đồng, bằng 68% dự toán, tăng 18% (so với cùng kỳ năm 2021).

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.742 triệu USD, tăng 8,47%. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 7,04%. Để khôi phục nhanh nền kinh tế, ngay khi du lịch mở cửa hoàn toàn vào tháng 3/2022, tỉnh tập trung phát triển mạnh ngành du lịch.

Bên cạnh duy trì các sản phẩm du lịch sẵn có, tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhiều hoạt động kích cầu phát triển du lịch. Trong 8 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng 218%. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 17.599 tỷ đồng, tăng 249%. Riêng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, Quảng Ninh đã đón khoảng 250.000 lượt khách du lịch.

Với sự kiện khánh thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, lượng du khách đến TP. Móng Cái tăng cao đột biến, với khoảng 150.400 lượt, đông nhất từ đầu năm 2022 đến nay. Du lịch phát triển, kéo theo đó doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn tỉnh cũng tăng 22,3%.

Công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được tỉnh chỉ đạo triển khai tích cực. 8 tháng năm 2022, số doanh nghiệp, đơn vị thành lập mới tăng 25%. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 18%. Số lượng hợp tác xã tăng 28%...

Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh cũng nhận định những tồn tại, khó khăn cần phải khắc phục để bứt tốc hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm, như: Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao, phần nào ảnh hưởng tới việc mở rộng sản xuất, tái đàn của nông dân. Giá xăng dầu dù nhiều lần giảm, tuy nhiên còn ở mức cao, kết hợp với thiếu hụt nguồn cung một số nguyên liệu đầu vào, do đó, giá cả nhiều mặt hàng và dịch vụ vẫn chưa giảm tương ứng.

Biến động của giá xây dựng, nguyên nhiên vật liệu lớn cũng làm ảnh hưởng phương án tài chính của các nhà thầu, nhất là nhà thầu ký hợp đồng trọn gói, các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật...

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu năm 2022
Một góc cảng Tuần Châu, Hạ Long. Ảnh: HK

Cũng theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 8/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 42,7% kế hoạch, áp lực giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn đến ngày 30/9/2022 là rất lớn. Cùng với đó, sau một thời gian phục hồi khá thành công, hiện ngành du lịch còn thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp...

Nhận diện rõ những tồn tại đó, tỉnh Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh.

Với quyết tâm giữ vững thành quả phòng chống dịch, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (mũi 1, 2) cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi (mũi 3 và tiêm mũi 4) với các trường hợp có chỉ định tiêm, bảo đảm an toàn theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Đồng thời, tỉnh tiếp tục giám sát diễn biến của dịch để kịp thời có giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, với những địa phương có tiến độ thu tiền sử dụng đất không đạt kế hoạch, Quảng Ninh đã chỉ đạo phải khẩn trương có giải pháp để đảm bảo nguồn vốn giải ngân chi đầu tư phát triển, tránh tình trạng thu dồn vào cuối năm. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công 2022 của tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Phấn đấu đến 31/12/2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí dự toán đầu năm, trong đó đến hết quý III/2022, giải ngân đạt tối thiểu 80% kế hoạch vốn; phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng;

Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đối với 4 đơn vị (Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu và Ba Chẽ) và 2 đơn vị đạt chuẩn NTM nâng cao (Tiên Yên và Đầm Hà) đảm bảo đúng lộ trình;

Tỉnh yêu cầu đối với 2 đơn vị (Hạ Long và Vân Đồn), hoàn thành hồ sơ trình Hội đồng thẩm định trung ương trước 15/9/2022; 2 đơn vị (Bình Liêu, Ba Chẽ) đạt chuẩn NTM và 2 đơn vị (Tiên Yên, Đầm Hà) đạt NTM nâng cao hoàn thành hồ sơ báo cáo Hội đồng Thẩm định trung ương trong quý VI/2022; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022./.