Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề
Ngày 21/9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo thống kê mới nhất về thiệt hại do bão số 3 gây ra, Quảng Ninh xác định có 29 người chết; 1.609 người bị thương được điều trị tại các cơ sở y tế; 4 người mất liên lạc... Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 24.223tỷ đồng và kéo theo các sự cố mất điện, nước, thông tin liên lạc trên diện rộng. Trong đó, TP Hạ Long là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, khoảng 8.765,1 tỷ đồng. Tiếp đó là huyện Vân Đồn khoảng 3.693,5 tỷ đồng; TP Uông Bí khoảng 3.200 tỷ đồng; TX Quảng Yên khoảng 2.305,8 tỷ đồng; TX Đông Triều 2.219.9 tỷ đồng; TP Cẩm Phả khoảng 1.127 tỷ đồng...
Người dân nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3. Ảnh: Tiến Dũng. |
Theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, các ngành liên quan cần nghiên cứu hoàn thiện bộ cẩm nang hướng dẫn công tác phòng, chống, ứng phó với bão, với biến đổi khí hậu, thiên tai… Các ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất đánh giá thiệt hại của bão số 3, phải làm rõ bức tranh tổng thể thiệt hại toàn tỉnh, phản ánh tổng quan từng địa phương, ngành, lĩnh vực, để vừa làm căn cứ cho các quyết sách về kinh tế - xã hội, kế hoạch khắc phục, tái thiết sau bão, vừa làm cơ sở để giải quyết các chính sách. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngành tham mưu cho tỉnh các đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về sửa đổi các tiêu chuẩn, quy phạm thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm tập trung đầu tư một số công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thành lập tổ công tác để xây dựng Đề án “Khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão”, với quyết tâm cao nhất xây dựng tỉnh Quảng Ninh sau bão phát triển hơn, đặc biệt là khắc phục được những điểm yếu, phát huy được thế mạnh của tỉnh, phấn đấu giữ vững tăng trưởng trên 10% năm 2024, là năm thứ 10 liên tiếp, đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số. |
Để sớm khôi phục nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ; chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn...
Khẩn trương tái thiết kinh tế
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương cũng đã tập trung làm rõ hơn nữa các kinh nghiệm thực tiễn trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để khẩn trương khôi phục, tái thiết hoạt động kinh doanh, sản xuất và phòng, chống thiên tai cực đoan.
Hiện công tác khắc phục thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu sau bão được xác định là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của toàn tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, các sự cố mất điện, nước, thông tin liên lạc trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản được khắc phục hoàn toàn. Toàn bộ các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, khu kinh tế, mỏ khai thác than,... đã hoạt động trở lại bình thường. Nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch và vịnh Hạ Long cũng đã sẵn sàng đón khách trở lại. Quảng Ninh đang tập trung vào việc khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3.
Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Tiến Dũng. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long đề nghị, tỉnh xem xét, sớm ban hành các cơ chế chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khắc phục thiệt hại của thiên tai để giảm bớt khó khăn, sớm ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm cấp D và hỗ trợ kinh phí thuê nhà tạm cư...
Nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn cho rẳng: Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng phải gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai; phải được nghiên cứu đồng bộ, gắn với các tình huống thiên tai, biến đổi khí hậu. Ông cũng đề xuất với các Bộ, ngành TW nghiên cứu, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với siêu bão, và biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng; rà soát hệ thống sông, suối có giải pháp thanh thải dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ...
Ông Nguyễn Việt Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô đề xuất, cần phải quan tâm lắp đặt các hệ thống cảnh báo, báo động khi có thiên tai ở từng khu dân cư hoặc từng địa phương cấp huyện. Bên cạnh đó, cần có hệ thống thông tin liên lạc dự phòng trong trường hợp giao thông bị chia cắt, mất điện và mất hoàn toàn mạng viễn thông như tình huống bão số 03 vừa qua. |