TDL

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.

Phát hành trái phiếu đảo nợ giảm dần

Đánh giá chung về tình hình kinh tế xã hội năm 2015, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, mặc dù tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp gây tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, nhưng với sự quyết tâm cao, chúng ta đã đạt được 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2015. Đặc biệt là kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét.

Trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao việc thực hiện công tác ngân sách trong năm 2015. “Giá dầu thô thế giới đã giảm rất sâu, từ 100 USD/thùng xuống chỉ còn khoảng 50 USD/thùng đã làm hụt nguồn thu dầu thô lên tới 32.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục cân đối được NSNN và giữ được bội chi ở mức 5% GDP. Như vậy là đã có sự tập trung của tất cả nguồn thu và sự kiểm soát một cách chặt chẽ ở các nguồn chi”, đại biểu nhận xét.

Một điểm được đại biểu lưu ý là về nợ công. Năm 2014, dự kiến nợ công cuối năm 2015 sẽ vào khoảng 64% GDP. Đến nay, mặc dù tình hình NSNN khó khăn nhưng nợ công chỉ ở mức 61,3% GDP. Hay nợ nước ngoài dự kiến khoảng 42% GDP nhưng cuối năm nay chỉ khoảng 41,5% GDP.

“Như vậy, nợ công của chúng ta có tăng cao nhưng tỷ lệ vẫn thấp hơn so với dự kiến ban đầu. Điều đó cho thấy chúng ta đã có những sự cải thiện nhất định khi có Luật đầu tư công cũng như đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.

Đánh giá về xuất phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) ra thị trường quốc tế của Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra số liệu các khoản trái phiếu đến hạn năm 2015 vào khoảng 125 nghìn tỷ đồng và chúng ta đã phát hành trái phiếu đảo nợ khoản này. Năm 2016, khoản trái phiếu sẽ tiếp tục phát hành đảo nợ vào khoảng 95 nghìn tỷ đồng. Việc đảo nợ là chuyện mình thường trong tình huống NSNN năm nào cũng bội chi, tuy nhiên, số lượng đảo nợ đã ngày càng giảm. Việc đảo nợ các khoản trái phiếu cũng có lợi ích là trước đây lãi suất trái phiếu rất cao, nay khi chúng ta đảo nợ thì được lãi suất thấp, giảm chi phí lãi vay cho ngân sách.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nhu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam là rất lớn và tăng dần, vì vậy, việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế là cần thiết, “vấn đề chúng ta phải lưu ý là sử dụng nguồn vốn như thế nào cho hiệu quả, để có nguồn thu tăng thêm cho tương lai”.

Khống chế chặt chẽ chi thường xuyên

Cũng đánh giá về các giải pháp điều hành ngân sách mà Chính phủ đề xuất, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng việc bán cổ phần của DNNN để chi cho đầu tư là cần thiết và phù hợp với quá trình tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị khoản này không nên hòa chung vào ngân sách mà nên chi theo công trình, địa chỉ cụ thể. Đồng thời, đại biểu cũng ủng hộ việc phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ công. “Nếu cân đối được, có nguồn ngoại tệ dài hạn thì rất có lợi, đây là phương thức cơ cấu lại khoản nợ chứ không phải vay mới nên không làm tăng nợ công”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Bên cạnh đó, để giảm căng thẳng cho ngân sách trong thời gian tới, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị phải khống chế chặt chẽ chi thường xuyên. Chẳng hạn, trong 5 năm tới, khống chế số tuyệt đối chi thường xuyên không quá mức của 2015, kể cả chi lương.

“Nếu muốn tăng lương thì phải yêu cầu giảm người, như vậy mới làm được. Còn “thuyền lên nước lên” thì không giải quyết được bài toán ngân sách. Chúng ta không thể nào cứ theo kiểu tăng biên chế rồi tăng lương. Tại sao không nói thẳng với nhau, muốn tăng lương thì phải giảm biên chế. Ví dụ nơi nào giảm được 30% thì đương nhiên lương tăng lên cho người lao động. Không thể cứ tăng người rồi yêu cầu tăng lương. Giờ toàn bộ nguồn thu mà chỉ đi chi thường xuyên thì rõ ràng chúng ta không thể giải quyết được bài toán nợ công”, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn đề nghị.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình ngân sách năm 2015, mặc dù giá dầu thô giảm sâu, tác động trực tiếp làm giảm thu 63.000 tỷ đồng so với dự toán, nhưng với quyết tâm thực hiện cao nhất, thu ngân sách năm 2015 ước đạt 927.500 tỷ đồng, vượt 16.400 tỷ đồng so với dự toán, tăng 7,4% so với thực hiện năm 2014. Tuy nhiên do giá dầu giảm, nên mặc dù thu ngân sách vượt dự toán, phần ngân sách trung ương sau khi bù trừ vẫn hụt 31.000 tỷ đồng so với dự toán.

Trong bối cảnh đó, để điều hành ngân sách theo dự toán của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng một phần tiền bán cổ phần DNNN khoảng 10.000 tỷ đồng để bù giảm thu ngân sách trung ương. Cho phép đa dạng hoá kỳ hạn TPCP, phát hành nhất định trái phiếu quốc tế kỳ hạn dài để cơ cấu lại một số khoản vay ngoại và nội tệ.

Hoàng Yến