Đây là nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Thông tư số 37 và mức độ giải quyết các khó khăn của DN trong Kiểm tra Hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm đối với sản phẩm dệt may”, tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội.
Còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, để thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm (Thông tư 32/2009/TT-BCT), theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP, Bộ Công thương đã điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 32 (TT 32) bằng Thông tư 37/2015/TT-BCT (TT 37), ban hành ngày 30/10/2015 và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12/2015.
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho rằng, TT 37 có một số sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho DN. Cụ thể, giấy tờ ít hơn (hồ sơ đã giảm 50% so với trước), nhiều hình thức kiểm tra với mức độ kiểm tra khác nhau, kích thước mẫu nhỏ hơn, công nhận nhãn sinh thái…
Tuy nhiên, theo ông Bình, những sửa đổi này chủ yếu áp dụng cho những lô hàng nhỏ (không quá 3 loại hàng hóa và 2 sản phẩm/mỗi loại, có tần suất nhập khẩu không quá 2 lần/tháng…), những trường hợp không phổ biến (nghiên cứu khoa học, hàng mẫu, triển lãm, hội chợ, an ninh, quốc phòng, y tế …), nên về cơ bản những sửa đổi này chưa tháo gỡ được những bất cập của TT 32, thậm chí một số quy định của TT 37 còn kém thuận lợi hơn so với TT 32.
Lấy dẫn chứng, ông Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, tại Điều 1, TT 37 quy định, đối tượng kiểm tra chỉ gồm các sản phẩm dệt may “tiêu thụ trên thị trường Việt Nam”. Tuy nhiên, trong các Điều 11 và 12, TT 37 lại quy định: hình thức kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất được quy định áp dụng cho cả loại hình gia công và nhập khẩu sản xuất xuất khẩu.
“Theo TT 32 từ trước tới nay, hầu hết sản phẩm dệt may nhập khẩu (nhưng không bao gồm hàng hóa nhập khẩu để gia công xuất khẩu) đều phải kiểm tra. Như vậy, chiếu theo Điều 1, TT 37, phạm vi kiểm tra giảm nhiều so với TT 32, song thực chất, nhìn toàn bộ TT 37 thì lại tăng rất nhiều so với TT 32”, ông Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, đại diện Tổng công ty May Đức Giang, quy định về địa điểm kiểm tra kém thuận lợi hơn. Ông Tuấn cho biết, trước TT 37, hàng hóa được cơ quan hải quan cho phép đưa về kiểm tra tại kho DN. Còn theo TT 37 thì đại bộ phận hàng nhập khẩu phải kiểm tra tại cửa khẩu, điều này sẽ phát sinh thêm chi phí lưu kho, bãi của DN.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, về chi phí kiểm tra theo TT 37, thêm phí “kiểm tra xác suất” là không hợp lý. “Trung bình một lô hàng cần kiểm tra hàm lượng formaldehyt, các amin thơm từ 3-4 mẫu, có lô tới 7 mẫu. Sau đó, chờ 3-5 ngày làm việc mới có kết quả. Trung bình mỗi năm DN tiêu tốn cả trăm triệu tới vài tỷ đồng cho khâu kiểm tra này. Thêm phí “kiểm tra xác suất” và chi phí lưu kho, bãi sẽ tốn kém thêm rất nhiều cho DN”, ông Tuấn chia sẻ.
Cần cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Ông Phạm Thanh Bình cho biết, theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới về chỉ số Thương mại qua biên giới TAB (chỉ số về thủ tục xuất nhập khẩu) năm 2015, thì Việt Nam xếp thứ 99/189 nền kinh tế (tụt 1 bậc so với năm 2014, trong khi chỉ số môi trường kinh doanh tăng 3 bậc), xếp thứ 7 trong ASEAN (giữ nguyên thứ hạng năm 2014). Tức là, năm 2015, thủ tục xuất nhập khẩu không đạt mục tiêu của Nghị quyết 19.
Ông Bình cũng cho biết, theo đánh giá của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan thì vướng mắc lớn nhất trong thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay là vấn đề kiểm tra chuyên ngành. Hay nói cách khác, nguyên nhân thứ hạng TAB của Việt Nam chưa được cải thiện chủ yếu do những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Bình luận thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, ngoài yêu cầu chung về cải cách toàn diện quản lý chuyên ngành, riêng đối với vấn đề kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may, Nghị quyết 19 yêu cầu: “Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trên các sản phẩm dệt may theo hướng miễn kiểm tra đối với nguyên liệu sản xuất, sản phẩm trung gian; sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn hoặc có thương hiệu nổi tiếng; sản phẩm có xác nhận, chứng nhận đạt chất lượng cao…”.
Tuy nhiên, theo ông Cung, TT 37 không đáp ứng tất cả cũng như từng yêu cầu cụ thể của Nghị quyết 19 đối với việc sửa đổi TT 32. “Tôi đề nghị Bộ Công thương nên xem xét, đình chỉ hiệu lực thi hành của Thông tư 37 và nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Thông tư 32 theo đúng yêu cầu Nghị quyết 19”, ông Cung thẳng thắn nhấn mạnh.
Trước những bất cập của TT 37, ông Cung cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công thương nên rà soát lại những điều khoản còn bất hợp lý của thông tư để sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Cụ thể, Bộ Công thương nên chia sản phẩm dệt may nhập khẩu thành hai loại là sản phẩm dệt may nhập để gia công, sản xuất xuất khẩu hoặc để xuất khẩu và sản phẩm dệt may nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.
Trong đó, sản phẩm dệt may nhập để gia công, sản xuất xuất khẩu nên quy định không thuộc đối tượng phải kiểm tra formaldehyt và amin thơm. Đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu để tiêu thụ nội địa phải kiểm tra formaldehyt và amin thơm, nhưng theo hướng khắc phục những bất cập hiện hành như về thời điểm kiểm tra, phạm vi kiểm tra, thủ tục kiểm tra…
Bên cạnh đó, theo khuyến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, TT 37 còn khá nhiều nội dung, khái niệm, thủ tục không rõ, rất khó hiểu, rất dễ giải thích khác nhau… nên cần có những bổ sung làm rõ để DN và cơ quan hải quan có thể dễ dàng thực hiện theo đúng quy định…./.
Bài và ảnh: Thiện Trần