* Xin bà cho biết một vài đánh giá cơ bản về Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2013?
- Có thể thấy rất rõ, số lượng DN thành lập mới và đang hoạt động tăng khá nhanh. Song, điều đáng quan ngại nổi lên trong Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 là quy mô doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng nhỏ đi về tiêu chí sử dụng lao động cũng như quy mô vốn.
Điều này thể hiện, khi phân loại DN theo quy mô thấy rằng, DN có quy mô nhỏ, tức là có dưới 10 lao động tăng từ 60 – 67% kể từ năm 2007 đến 2013. Trong khi đó, số lượng DN có quy mô trung bình lại đang giảm nhanh.
Đây là lần đầu tiên quy mô vốn bình quân của DN giảm trong vòng 10 năm trở lại đây và điều này đáng suy ngẫm trong quá trình hoạch định chính sách hỗ trợ DN phát triển.
|
* Thưa bà, quy mô DN nhỏ đi sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?
- Hiện nền kinh tế nước ta có năng suất lao động gia tăng chậm trong khi hiệu quả đầu tư giảm sút. Chúng ta đang rất cần DN có quy mô trung bình và cỡ lớn để có khả năng tạo ra hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Các DN nhỏ và cực nhỏ có thể tự tạo việc làm, tự tổ chức công việc sản xuất và linh hoạt trong hoạt động kinh tế, chuyển đổi mục tiêu kinh doanh, địa bàn kinh doanh…Tuy nhiên, để tạo ra năng suất lao động cao cũng như ứng dụng công nghệ mới hay tạo ra hiệu suất, đặc biệt để xuất khẩu hay tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…thì cần những DN có quy mô lớn và vừa, tức là khoảng từ trên 200 lao động.
Bên cạnh đó, xuất khẩu là yếu tố đóng góp tích cực nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng theo báo cáo, giá trị gia tăng mang lại từ việc xuất khẩu lại không được cải thiện nhiều. Tỷ trọng xuất khẩu của DN nội địa đang giảm dần thay vào đó tỷ trọng của DN khu vực FDI ngày càng tăng (từ dưới 50% trong những năm 2000-2002 lên 61,4% năm 2013).
Vì vậy, nếu chúng ta không có được hệ thống DN quy mô trung bình và lớn, ngược lại DN nhỏ và rất nhỏ gia tăng thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Và như vậy, điều đó sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế.
* Trước thực trạng như vậy, bà có thể chia sẻ một số kiến nghị để thúc đẩy sự phát triển về quy mô cho các DN hiện nay?
- Những chính sách của Nhà nước cần phải quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện cho DN mở rộng quy mô của mình. Đồng thời, có những biện pháp ưu đãi, tạo điều kiện, khuyến khích về đất đai, mặt bằng, thuế, vốn, thị trường…để DN thực hiện mở rộng quy mô.
Các nhà hoạch định chính sách khi xây dựng chính sách phát triển DN hay phát triển kinh tế vùng cần chú ý đến việc khai thác lợi thế cạnh tranh của vùng, của ngành và có phương pháp liên kết DN vùng, ngành với nhau.
Bên cạnh đó, bản thân DN cần tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng các chính sách. DN không chỉ cần chú ý đến những luật lệ, quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh hay môi trường kinh doanh,…mà cần tham gia ý kiến cả về việc xây dựng chiến lược phát triển của địa phương, của ngành.
Về vấn đề nâng cao năng suất lao động và đổi mới công nghệ, DN cần tìm những nguồn vốn đa dạng khác để thực hiện chứ không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn tín dụng.
Đặc biệt, đã đến lúc DN phải tính đến việc xâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này không có nghĩa là DN ngồi một chỗ và nói về chuỗi cung ứng toàn cầu ở đâu đó mà phải có sự nhập cuộc, đầu tư tìm hiểu và dám có quyết sách mở rộng sản xuất, tham gia bằng được vào một khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Xin cảm ơn bà!
Tố Uyên