Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ tại Hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu ngày 10/5, tại Hà Nội.

Năm 2023, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 49 của Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu diễn ra trong 4 ngày (8-12/5) nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại chủ động tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với chủ trương tại Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại hơn 650 triệu USD phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét
Quỹ Toàn cầu nhận bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển y tế Việt Nam. Ảnh: Văn Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm 2002, trong một hành động thể hiện tinh thần đoàn kết và lãnh đạo toàn cầu phi thường, thế giới đã cùng nhau thành lập Quỹ Toàn cầu để chống lại những đại dịch nguy hiểm nhất mà nhân loại phải đối mặt lúc bấy giờ, đó là dịch bệnh AIDS, Lao và Sốt rét.

Đây là một phong trào toàn cầu nhằm đánh bại dịch bệnh Lao, Sốt rét và AIDS và đảm bảo một tương lai lành mạnh hơn, an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Trong hơn 20 năm vừa qua, Quỹ Toàn cầu đã nỗ lực tài trợ hơn 55 tỷ USD, cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỷ lệ tử vong do 3 căn bệnh này ở các quốc gia được tài trợ.

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ toàn cầu từ vòng đầu tiên vào năm 2003. Kể từ đó đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét.

“Với sự hỗ trợ quý báu cả về kỹ thuật và kinh phí từ Quỹ Toàn cầu cùng với những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta rất đáng tự hào về kết quả phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét đã đạt được đến ngày hôm nay" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, khi cả thế giới và Việt Nam phải đối mặt với dịch Covid-19, Quỹ Toàn cầu đã kịp thời chung tay với Việt Nam để giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, bao gồm: cung cấp máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị Covid-19, trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị...