SẮP XẾP BỘ MÁY: 836 văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý ngay

Hơn 5.000 văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp bộ máy

Tờ trình của Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nêu rõ: Quá trình thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo phương án sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ có tác động trực tiếp đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Do đó, tại Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã giao: "Các bộ, ngành, cơ quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý những vấn đề vướng mắc khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp".

Bộ Tư pháp đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trong đó, tổng số văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy là 5.026 văn bản (gồm: 160 luật, bộ luật, 8 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của UBTVQH, 833 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ, 287 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.722 văn bản cấp bộ), tập trung vào một số nhóm nội dung chính:

836 văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý ngay để sắp xếp bộ máy

(1) Nhóm văn bản QPPL chỉ liên quan đến việc thay đổi tên gọi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị:3.887 văn bản (gồm: 95 luật, 7 nghị quyết của Quốc hội, 9 pháp lệnh, 2 nghị quyết của UBTVQH, 520 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ, 179 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.071 văn bản cấp bộ);

(2) Nhóm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung "cần xử lý ngay" (ngoài việc thay đổi tên gọi), trong đó có những vấn đề có tính chất chung giữa các bộ và có những vấn đề có tính chất đặc thù riêng của từng bộ, ngành, có 762 văn bản cần xử lý ngay nhưng có thể xử lý theo nguyên tắc chung (gồm: 55 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 237 nghị định, 79 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 390 văn bản cấp bộ);

Có 74 văn bản cần xử lý ngay, có tính chất đặc thù, không thể xử lý theo nguyên tắc chung mà cần sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể (gồm: 7 luật, 36 nghị định, 11 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 20 văn bản cấp bộ).

Ngoài ra, các cơ quan cũng rà soát, đề xuất xử lý theo lộ trình với 326 văn bản (gồm: 7 luật, 1 pháp lệnh, 44 nghị định, 19 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 255 văn bản cấp bộ (các văn bản QPPL có nội dung cần xử lý nhưng chưa đến mức cấp thiết phải xử lý ngay).

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rà soát gần 1.700 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan trung ương.

Trong đó kết quả rà soát tập trung liên quan đến quy định về tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ ở trung ương khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy dự kiến sẽ thay đổi hoặc quy định trong văn bản địa phương dẫn chiếu đến các văn bản do các bộ, cơ quan ngang bộ ban này (các cơ quan này dự kiến sẽ thay đổi tên gọi, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ).

Bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy

Theo Bộ Tư pháp, với số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, nhất là việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương liên quan đến điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sự thay đổi về thẩm quyền, chức danh xử phạt vi phạm hành chính; việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; về việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; quy trình phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị;.... đang được quy định tại nhiều luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật có liên quan.

Vì vậy, cùng với việc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy, Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết về thành lập một số bộ trên cơ sở tổ chức lại một số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thì việc nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025 là rất cần thiết.

Việc ban hành nghị quyết này nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật, hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống pháp luật liên quan, bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.