PV: Đây là cuộc giám sát có quy mô lớn và huy động một lực lượng lớn tham gia. Là thành viên Đoàn giám sát, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn này?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Chuyên đề giám sát được người dân và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Quá trình triển khai do cơ quan Quốc hội tổ chức thực hiện. Báo cáo trình ra Quốc hội là cả quá trình làm việc tỉ mỉ, thận trọng, kỹ lưỡng. Các số liệu đưa ra, nhận định đã được xác lập chặt chẽ, khoa học, có đủ căn cứ dẫn chứng xác thực cho thấy bức tranh tổng thể về tình hình THTK, CLP trên các lĩnh vực về quản lý tài sản, tài nguyên… của nước ta.

Sẽ có chuyển biến đột phá trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
ĐBQH Trần Văn Lâm

Đây là kết quả phản ánh vừa tổng hợp, vừa cụ thể, là cơ sở dẫn chứng, căn cứ rất quan trọng để Quốc hội ban hành nghị quyết, trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ đưa ra quyết sách căn cơ để đẩy mạnh thực hiện Luật THTK, CLP trên tất cả các phương diện.

Các giải pháp đồng bộ được đưa ra, từ hoàn thiện cơ chế chính sách cho đến thực hiện kỷ luật kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với lãng phí, thất thoát đang xảy ra. Tôi cho rằng, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện, sẽ đáp ứng kỳ vọng của cử tri nhân dân, đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước trong thời gian tới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình THTK, CLP trong lĩnh vực sử dụng ngân sách?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ rõ, công tác lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện ngày càng nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác quản lý thu, chi NSNN được tăng cường, đảm bảo tính minh bạch. Công tác chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Nhiệm vụ chi NSNN được bảo đảm theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phục vụ kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện chủ trương tiết kiệm kinh phí NSNN, cắt giảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết (như: tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài; mua sắm xe ô tô công...) để tạo nguồn tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19. Việc THTK, CLP đã được cụ thể bằng các con số, như: Số tiền tiết kiệm dự toán chi thường xuyên của cả nước giai đoạn 2016 - 2021 theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ là 64.107,4 tỷ đồng. Tổng số kinh phí tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, hội thảo là 709,2 tỷ đồng; tiết kiệm chi tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, kỷ niệm là 717,5 tỷ đồng; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại là 7.470,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ nêu trên, vẫn còn những tồn tại, bất cập, như: còn vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn, định mức...

Nguồn: Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội      						   Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đồ họa: Văn Chung

PV: Như ông vừa nhận định, con số tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên trong cả giai đoạn là rất lớn, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc tiết kiệm chi thường xuyên cần được đong đếm cụ thể hơn nữa và có thể tiết kiệm được hơn nữa. Ông có ý kiến gì về điều này?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Trong chi thường xuyên có nhiều nội dung, có nội dung mang tính chất đầu tư, song yếu tố quan trọng nhất là phải có đầy đủ tiêu chuẩn, định mức để dự toán, từ đó, thanh quyết toán các khoản chi. Nếu dự toán sát thì sẽ tiết kiệm, hạn chế thất thoát, lãng phí.

Qua giám sát chúng tôi nhận thấy, có nhiều lĩnh vực còn thiếu tiêu chuẩn, định mức, hoặc tiêu chuẩn, định mức cũng đã dự toán từ lâu, nay đã lạc hậu, hoặc phát sinh những lĩnh vực mới chưa có tiêu chuẩn, định mức. Đó chính là hạn chế, làm cho chúng ta chưa thực sự tiết kiệm được hơn nữa trong lĩnh vực chi thường xuyên.

Qua quá trình làm việc, Đoàn giám sát đã chỉ ra và các bộ, ngành có liên quan đã thấy rõ. Đặc biệt, qua đợt giám sát vừa rồi, các bộ, ngành đã phải rà soát toàn bộ lại các tiêu chuẩn, định mức có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Trên cơ sở đó có đánh giá lại. Tới đây, một trong những yêu cầu được đưa ra đó là các bộ, ngành phải hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, định mức này, góp phần chi tiêu thường xuyên căn cơ hơn nữa, thực sự tiết kiệm, hiệu quả.

PV: Ông kỳ vọng như thế nào khi Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về THTK, CLP được thông qua?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Đoàn giám sát đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết về vấn đề này trình Quốc hội xem xét, trong đó đã nêu tổng thể các biện pháp cần tổ chức triển khai để đẩy mạnh THTK, CLP thời gian tới. Trong đó có cả biện pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp, các biện pháp về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý vi phạm, tuyên truyền, vận động, mở các cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân… Tôi tin rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp mà Quốc hội bàn và thống nhất, việc THTK, CLP ở nước ta sẽ có chuyển biến căn bản, tạo cú hích mang tính chất đột phá để nâng cao chất lượng THTK, CLP toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giải ngân chậm làm lãng phí nguồn lực

Cử tri và nhân dân vẫn còn lo ngại việc sử dụng tài sản công ở khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa thực sự hiệu quả. Trả lời băn khoăn này, ĐBQH Trần Văn Lâm cho rằng, đúng là trên thực tế, việc quản lý, sử dụng tài sản công ở khu vực công chưa bằng khu vực tư. Điều này cũng do tính chất của các loại hình sở hữu quản lý. Ở khu vực công cũng chưa rạch ròi gắn chặt với trách nhiệm cá nhân.

Thời gian qua, qua giám sát đã cho thấy, một số nguồn lực hiện nay đang giao cho DNNN khai thác, quản lý sử dụng thì chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, như quản lý đất đai, tài sản. Một số DNNN đang sở hữu các mảnh đất vàng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả. Hay như một số DNNN đang trong quá trình cổ phần hóa, do khó khăn trong xác lập các định mức, tính toán giá cả, hay như xác định mục đích sử dụng…, đã làm chậm quá trình cổ phần hóa. Đó chính là chậm nâng cao hiệu quả hiện đang có của doanh nghiệp và là một trong những biểu hiện của lãng phí. Đoàn giám sát đã nhận thấy và yêu cầu thời gian tới phải có giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa chủ trương thoái vốn, cổ phần hóa DNNN.

Về việc lãng phí do giải ngân vốn đầu tư công chậm, hay như việc giải ngân các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhiều năm nay rất chậm, có tình trạng có tiền mà không tiêu được, ĐBQH Trần Văn Lâm cho biết, dự án đầu tư chậm, kéo dài, chính là đồng vốn chậm được đưa vào phát huy trong cuộc sống, đó là lãng phí. Dự án đội vốn, đó cũng là dấu hiệu của sự lãng phí. Thậm chí có những đồng vốn đi vay, nhiều năm trả lãi vay rồi mà vẫn chưa phát huy hiệu quả đi vào cuộc sống, lại là lãng phí rất lớn. Đó là chưa kể đến các dự án đi vào cuộc sống rồi nhưng cũng không phát huy được hiệu quả; hay các dự án công trình chất lượng không đảm bảo, mới đi vào hoạt động đã phải sửa chữa, nâng cấp, gây tốn kém, lãng phí.

Đối với các dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi nhiều năm nay giải ngân rất chậm, đây là một trong những yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản. Rõ ràng là có vốn, có tiền mà không giải ngân được, làm mất cơ hội phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi mỗi đồng vốn đầu tư ra sẽ mang lại cơ hội cho tăng trưởng. Nhưng tiền có mà không đầu tư được, vẫn nằm trong két thì đồng tiền đó không tạo ra giá trị tăng trưởng. Vốn ODA chậm giải ngân có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân là do chuẩn bị dự án sơ sài, do thực hiện theo các cam kết của các nhà tài trợ… Đây là các yếu kém kéo dài đã được chỉ ra trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Thời gian tới, đây vẫn là thách thức đặt ra cho Chính phủ cũng như các bộ, ngành.