Hiện nay có 3 nhà xuất bản thực hiện cung ứng sách giáo khoa ra thị trường là đã thực hiện theo

Hiện nay có 3 nhà xuất bản thực hiện cung ứng sách giáo khoa ra thị trường là đã thực hiện theo đúng tinh thần xã hội hóa

Vừa qua một số nhà xuất bản kê khai giá của một số bộ sách giáo khoa cao hơn sách hiện hành 3 - 4 lần gây ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn đầu xã hội hóa, việc cạnh tranh không lành mạnh qua điều tiết giá hoặc tự định giá ở mức cao có thể xảy ra. Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa.

* PV: Xin ông cho biết, hiện nay Bộ Tài chính quản lý giá sách giáo khoa như thế nào?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Sách giáo khoa hiện nay đang được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, trong đó giá sách giáo khoa được thực hiện theo quy định tại pháp luật về giá, thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, nhưng không thuộc danh mục mặt hàng do nhà nước định giá, bình ổn giá.

Cũng theo quy định trên, cơ quan tiếp nhận kê khai giá là Bộ Tài chính. Bộ Tài chính không phê duyệt giá sách giáo khoa, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền.

* PV:Căn cứ nào để Bộ Tài chính thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa, thưa ông?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Căn cứ quy định của quy định tại Luật Giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành 2 Thông tư số 56/2014/TT-BTC, Thông tư số 233/2016/TT-BTC, đã hướng dẫn cách thức thực hiện và tiếp nhận kê khai giá hàng hóa, dịch vụ nói chung, trong đó có sách giáo khoa.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã tiếp nhận kê khai giá của 3 nhà xuất bản, căn cứ các quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã rà soát văn bản kê khai giá theo quy định. Trong đó, rà soát bảng kê khai mức giá, bảng xây dựng hình thành mức giá bán sách giáo khoa do đây là trường hợp lần đầu các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá bộ sách giáo khoa mới với cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Ông Nguyễn Anh Tuấn

* PV: Ông có thể cho biết việc thực hiện xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa hiện nay ra sao?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Triển khai quy định tại Luật Giáo dục, Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục thống nhất. Các tác giả, các nhà xuất bản dựa vào chương trình để viết sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi, thẩm định nội dung để chọn ra một số bộ sách giáo khoa có nội dung hay và sát với chương trình nhất.

Sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn, các tác giả, các nhà xuất bản sẽ tổ chức in, phát hành. Giám đốc sở, hiệu trưởng các trường, hoặc giáo viên, phụ huynh, học sinh tự chọn cho mình một bộ sách thích hợp (trong số những bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nội dung). Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, hiện nay có 3 nhà xuất bản thực hiện cung ứng sách giáo khoa ra thị trường là đã thực hiện theo đúng tinh thần xã hội hóa trong việc biên soạn sách giáo khoa tại Luật Giáo dục, Nghị quyết 88/2014/QH13. Việc thực hiện xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa có những ưu điểm như đã thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia; và vì được lựa chọn bởi nhiều nhóm tác giả nên sẽ có sự cạnh tranh về mặt chất lượng nội dung.

Theo đó, sách giáo khoa sẽ có thể có nội dung hay hơn, hình thức đẹp hơn. Giáo viên, học sinh, phụ huynh có điều kiện tự chọn cho mình bộ sách giáo khoa hay và phù hợp nhất để giảng dạy và học tập.

Cũng vì được nhiều nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh. Không còn dư luận về độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa như trước đây.

* PV: Ông đánh giá về giá sách giáo khoa mới của 3 nhà xuất bản hiện nay, tác động đến người tiêu dùng như thế nào?

-Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nếu chỉ so sánh đơn thuần về mức giá của các bộ sách thì so với bộ sách lớp 1 cũ (bộ sách đã được dùng cho năm học 2019-2020), bộ sách giáo khoa mới có mức giá cao hơn. Tuy nhiên, việc so sánh này không tương đồng, do việc biên soạn, xuất bản 1 bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây.

Cụ thể: Theo yêu cầu về cải cách giáo dục, đồng thời do thị trường đã có một số nhà xuất bản tham gia nên có sự cạnh tranh trong việc huy động các chuyên gia giỏi, đội ngũ tri thức... tham gia biên soạn sách giáo khoa. Thêm vào đó, yêu cầu về chất lượng sách cũng cao hơn, bao gồm cả quy cách chất lượng cũng phải thay đổi (khổ sách lớn hơn, số lượng màu nhiều hơn...). Thị phần trên thị trường bị chia sẻ, đồng thời không dự báo được thị phần sẽ là khó khăn cho các nhà xuất bản tham gia thị trường.

Ngoài ra, do phải cạnh tranh giữa các nhà xuất bản nên một số chi phí được kết cấu trong giá như: chi phí tem chống giả, chi phí tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị, hướng dẫn sử dụng. Xét về số lượng thì số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 9 - 10 cuốn) nhiều hơn số lượng quyển sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6 cuốn).

Như vậy, có thể nói đây là những bước đi đầu tiên trong quá trình thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Về lâu dài sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà xuất bản thông qua chất lượng cũng như giá bán sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hiện nay, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức điều tiết giá hoặc việc các nhà xuất bản tự định giá sách giáo khoa ở mức cao sẽ có thể xảy ra. Việc này sẽ tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

* PV: Ông có thể chia sẻ một số giải pháp để hạn chế tác động về giá trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa trong việc biên soạn sách giáo khoa?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Như đã phân tích ở trên, việc triển khai thực hiện bộ sách giáo khoa mới trong bối cảnh các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức điều tiết giá, tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh.

Từ những phân tích trên, kết hợp kinh nghiệm quốc tế của những quốc gia có điều kiện tương đồng, trong thời gian tới đặt ra yêu cầu nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản và thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng sa, vùng có kinh tế khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan chức năng đánh giá để đề xuất, báo cáo Chính phủ phương án quản lý giá sách giáo khoa cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, dự kiến sẽ trình Chính phủ bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Việc triển khai thực hiện bộ sách giáo khoa mới trong bối cảnh các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức điều tiết giá, tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh. Từ những phân tích trên, kết hợp kinh nghiệm quốc tế của những quốc gia có điều kiện tương đồng, trong thời gian tới đặt ra yêu cầu nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản và thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng sa, vùng có kinh tế khó khăn.

Minh Anh (ghi)