hải quan

Nội dung về xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan dự định thống nhất 4 khoản thành 1 khoản. Ảnh: TL.

Vướng về thẩm quyền

Sau 6 năm được ban hành và 3 năm sửa đổi, hiện một số quy định về thẩm quyền quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan đã phát sinh một số tồn tại.

Nội dung này hiện đang được quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Sau đó được sửa đổi, bổ sung tại khoản 50 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018.

Tại điều 98 của Nghị định về kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan đưa ra trường hợp loại trừ là “trừ các hồ sơ hải quan đã được kiểm tra theo quy định tại Khoản 1 Điều 97 (kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan) nghị định này”.

Tuy nhiên, nội dung này mâu thuẫn với nội dung tại Điều 97: “Trường hợp khối lượng hàng hóa lớn, chủng loại hàng hóa phức tạp, có rủi ro về thuế, cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 98 thì doanh nghiệp trọng điểm do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan. Các doanh nghiệp khác đều thuộc địa bàn quản lý của cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố.

Như vậy, cục trưởng cục kiểm tra sau thông quan không quyết định kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp nào trong khi khoản 1 Điều 80 Luật Hải quan có nêu “Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan quyết định kiểm tra sau thông quan trong phạm vi toàn quốc”.

Một nội dung khác cũng cần được cân nhắc là nội dung ở khoản 2 Điều 99 Nghị định 08/2015/NĐ-CP cần làm rõ hơn các trường hợp tạm dừng và phương thức xử lý đối với trường hợp tạm dừng một thời gian khi đoàn kiểm tra đang thực hiện kiểm tra.

Thực tế có trường hợp doanh nghiệp đang được kiểm tra sau thông quan bị bão lũ bất ngờ nên cần thời gian 1-2 ngày chờ nước rút, sửa chữa dột, sấy khô tài liệu bị ướt, hoặc người đại diện cho doanh nghiệp đang tiếp đoàn kiểm tra bị đau ốm, tai nạn bất ngờ; có doanh nghiệp dữ liệu quá lớn nên cần thêm thời gian để chuẩn bị bảng biểu tổng hợp phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan hoặc thực tiễn kiểm tra thì đoàn kiểm tra cần xác minh, điều tra để làm rõ một số nội dung trước khi tiếp tục kiểm tra…

Do vậy, theo cơ quan hải quan, cần bổ sung, làm rõ để tránh sự tùy tiện, tùy ý; tất cả việc tạm dừng đều phải do người ban hành quyết định kiểm tra xem xét quyết định.

Về xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan, quy định hiện hành đang có 4 trường hợp. Trong đó các nội dung có sự lặp lại, chưa giải quyết được vướng mắc khi người có thẩm quyền quyết định kiểm tra nhưng không trực tiếp thực hiện các nội dung xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan.

Trong đó, nội dung “a) ban hành quyết định ấn định thuế” nằm trong nội dung “b) ban hành các quyết định hành chính về thuế”; chưa có nội dung xử lý theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính; nội dung xử lý theo Bộ Luật tố tụng hình sự chưa đầy đủ các hình thức (khởi tố theo thẩm quyền/kiến nghị khởi tố/chuyển tin),...

Đảm bảo sự tương ứng

Để xử lý những vấn đề vướng mắc, tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, cơ quan soạn thảo là Tổng cục Hải quan đang bố cục lại Điều 97 (kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan) và Điều 98 (kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan) đảm bảo sự tương ứng.

Hướng sửa sẽ chia mỗi điều thành 3 nội dung chính: Thẩm quyền quyết định; quy định về thông báo kết quả kiểm tra/kết luận kiểm tra sau thông quan; giao Bộ Tài chính hướng dẫn.

Cùng với đó, tại Điều 98 sẽ bãi bỏ nội dung mâu thuẫn với Điều 97; đồng thời, bổ sung nội dung tại khoản này nhằm làm rõ thẩm quyền quyết định kiểm tra sau thông quan, đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 80 Luật Hải quan và trên cơ sở tiếp thu một số nội dung tại Khoản 2 và 3 Điều 98 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 50 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP).

Một số quy định khác cũng dự kiến sẽ được sửa đổi nhằm đảm bảo đúng quy định về thời hạn theo Điều 80 Luật Hải quan, thống nhất mốc thời gian tính thời hạn là kể từ ngày kết thúc kiểm tra. Đồng thời, bổ sung làm rõ các trường hợp tạm dừng.

Ngoài ra, nội dung về xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan dự định thống nhất 4 khoản thành 1 khoản theo hướng người ban hành quyết định kiểm tra trực tiếp tổ chức thực hiện hoặc phân công cấp dưới (có thẩm quyền theo quy định pháp luật) tổ chức thực hiện xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan; bổ sung nội dung xử lý theo Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hồng Vân