Sẽ thể hiện đầy đủ hơn tầm vóc của doanh nghiệp
Việc áp dụng IFRS không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà sẽ rộng hơn cho cả các cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: TL

PV: Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam, giai đoạn 2022-2025 là giai đoạn áp dụng tự nguyện. Bà đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam trong việc áp dụng IFRS khi đến nay, gần nửa thời gian áp dụng tự nguyện đã đi qua?

Sẽ thể hiện đầy đủ hơn tầm vóc của doanh nghiệp
Bà Trần Thúy Ngọc

Bà Trần Thúy Ngọc: Sau gần một nửa chặng đường áp dụng tự nguyện IFRS, theo quan sát từ phía Deloitte, mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS của các DN tại Việt Nam có sự phân hóa rõ rệt. Cụ thể, một số DN có cổ đông ngoại hoặc vay vốn từ những định chế tài chính nước ngoài có vẻ đã sẵn sàng và áp dụng IFRS. Một số DN không thuộc các ngành nghề đặc biệt thậm chí đã áp dụng IFRS từ trước khi Quyết định 345 ra đời. Trong khi đó, những DN chưa thực sự có nhu cầu sử dụng báo cáo tài chính lập theo IFRS vẫn chưa “mặn mà” để chuẩn bị sẵn sàng.

Mặc dù có sự đồng thuận cao của cộng đồng DN và quyết tâm hướng tới chuẩn mực và thông lệ kế toán quốc tế, song phải thừa nhận rằng, vẫn còn thiếu nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nhằm đảm bảo việc áp dụng thành công IFRS tại Việt Nam. Có thể kể đến các ràng buộc hữu cơ khó tháo gỡ về sự khác biệt giữa chính sách kế toán, thuế, cơ chế tài chính, hay các yếu tố về chất lượng nhân lực, quản trị công ty, công nghệ và quy trình. Ngoài ra cũng cần xét đến mức độ trưởng thành và độ sâu của thị trường liên quan tới giá trị hợp lý, cơ sở thông tin tham chiếu cho các chuẩn mực IFRS phức tạp như IFRS 9 - công cụ tài chính, IFRS 16 - hợp đồng thuê, hay sắp tới là IFRS 17 - bảo hiểm.

Nhìn chung, các DN thuộc khối đầu tư nước ngoài, khối dịch vụ tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ…) và các tập đoàn, DN tư nhân lớn có nhu cầu gọi vốn thị trường quốc tế hay các nhà đầu tư chiến lược quốc tế là những DN “vào cuộc” sớm và có phần quyết liệt hơn trong việc áp dụng IFRS.

PV: Bà nhìn nhận như thế nào những thuận lợi và khó khăn đối với DN khi áp dụng IFRS trong giai đoạn tự nguyện hiện nay?

Bà Trần Thúy Ngọc: Việc áp dụng IFRS mang lại nhiều thuận lợi, song kèm theo không ít và thách thức.

Ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp đã tự nguyện áp dụng

“Chúng tôi đánh giá rất cao và ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) đã tự nguyện áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). IFRS không đơn thuần là câu chuyện của kế toán, việc triển khai và áp dụng thành công thể hiện sự cam kết của DN trong việc hướng tới thông lệ quốc tế, sự quyết liệt của ban lãnh đạo, sự phối kết hợp hiệu quả của tổ chức và đôi khi còn là cả sự kiên định với các kế hoạch chuyển đổi của DN...”

Bà Trần Thúy Ngọc - Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam

Về mặt thuận lợi, áp dụng IFRS mang lại góc nhìn theo thông lệ quốc tế về tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của DN, giúp cổ đông và các bên liên quan có đánh giá toàn diện hơn, tăng tính minh bạch và tin cậy của báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, việc áp dụng các mô hình định giá lại giá trị của tài sản góp phần phản ánh đầy đủ hơn quy mô, tầm vóc của DN. Hơn nữa, áp dụng IFRS mở ra cánh cửa đầu tư quốc tế, tăng cường hình ảnh và định vị của DN trên thị trường quốc tế.

Về thách thức, quá trình chuyển đổi từ báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng về thời gian, nhân lực và chi phí, trong khi cơ chế khuyến khích tạo động lực cho DN trong giai đoạn tự nguyện là chưa cụ thể và rõ ràng.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều khác biệt lớn giữa VAS và IFRS khi trình độ, năng lực của đội ngũ kế toán chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi, đặc biệt là trong lần đầu tiên lập báo cáo theo IFRS sẽ có nhiều bỡ ngỡ và thường kéo dài.

IFRS tạo điều kiện cho ban lãnh đạo công ty xét đoán, nhất là các ước tính kế toán, trong khi cơ sở dữ liệu, thông tin tham chiếu thị trường chưa đầy đủ hoặc không chính thống, dẫn tới những khó khăn và thiếu nhất quán trong quá trình áp dụng. Điều này đòi hỏi thực hành quản trị công ty tốt và lãnh đạo chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

PV: Theo bà, trong giai đoạn áp dụng tự nguyện hiện nay, DN cần làm gì để việc áp dụng IFRS được thuận lợi?

Bà Trần Thúy Ngọc: Để áp dụng IFRS thành công, trước tiên, DN cần có chuẩn bị về nhân lực. Cần có sự ủng hộ và quyết tâm lớn của ban lãnh đạo công ty, để từ đó có sự đầu tư thích hợp cho công tác đào tạo và nâng cao kiến thức của cán bộ kế toán và các phòng ban liên quan đến IFRS. DN có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và đơn vị tư vấn có kinh nghiệm về IFRS, để đảm bảo quá trình áp dụng IFRS được thực hiện một cách hiệu quả.

Song song với việc chuẩn bị nguồn nhân lực, DN cần đánh giá lại hệ thống kế toán hiện tại về mức độ phù hợp với IFRS và thực hiện các điều chỉnh và cải tiến cần thiết để đáp ứng đầy đủ yêu cầu và tiêu chuẩn của IFRS. Ngoài ra, DN cũng cần thực hiện kiểm tra và đánh giá soát xét nội bộ đối với quá trình áp dụng IFRS, nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời các sai sót.

Việc áp dụng IFRS không chỉ mang lại lợi ích cho DN, mà sẽ rộng hơn cho cả các cộng đồng DN. Do vậy, các DN cần chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các DN khác đang áp dụng IFRS thông qua các diễn đàn, hội thảo,…

PV: Xin cảm ơn bà!

Cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng tự nguyện để doanh nghiệp hoàn thiện công tác chuẩn bị

Theo ông Đỗ Hồng Dương - Phó Tổng giám đốc dịch vụ Kiểm toán & Đảm bảo (Deloitte Việt Nam), từ việc chưa thực sự sẵn sàng áp dụng IFRS của phần lớn các DN tại Việt Nam hiện nay, để hỗ trợ DN chuyển đổi thành công, có thể cân nhắc kéo dài thêm thời gian áp dụng tự nguyện IFRS để các DN có thể hoàn thiện công tác chuẩn bị. Thời gian áp dụng tự nguyện có thể kéo dài, nhưng đây sẽ không là lý do để trì hoãn khi thúc đẩy áp dụng IFRS tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng sửa đổi các thông tư về chế độ kế toán Việt Nam theo hướng sát hơn với thông lệ quốc tế, từng bước nâng cao nội lực về trình độ kế toán và cho các DN có thời gian làm quen. Đồng thời, cơ quan quản lý cần sửa đổi Luật Kế toán, xây dựng bộ chuẩn mực kế toán mới (VFRS), theo kinh nghiệm của các nước trên cơ sở kế thừa IFRS và có tinh chỉnh cho phù hợp với đặc thù kinh tế và thị trường của Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách giữa VAS và IFRS. Tiếp đó, cần nghiên cứu và có lộ trình điều chỉnh đối với các cơ chế tài chính, cơ chế lương thưởng, xếp hạng DN… với mục tiêu trao quyền chủ động hơn cho DN và để tăng khả năng tương thích với phương pháp tiếp cận của quốc tế khi triển khai IFRS sau này.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế khuyến khích cho các DN áp dụng tự nguyện IFRS. Một số cơ chế như công nhận giá trị sử dụng của báo cáo lập theo IFRS cho một số mục đích nhất định như nộp cho Ủy ban Chứng khoán, hay sử dụng cho xếp hạng tín nhiệm tại ngân hàng; hay đối với DN nhà nước có thể đưa việc áp dụng IFRS vào tiêu chí đánh giá năng lực quản trị DN…

Cũng theo ông Dương, một hệ thống hành lang pháp lý cho phép các nghiệp vụ theo giá thị trường và các đơn vị vận hành thị trường cần được thiết lập cho một thị trường hoàn hảo bởi cả sở hữu tư nhân và nhà nước. Ví dụ, các công ty định giá theo các phương pháp giá thị trường, các công ty xếp hạng định mức tín nhiệm, các công ty mua bán nợ và xử lý nợ xấu…