Doanh nghiệp nhà nước khó đổi mới, sáng tạo

Đánh giá về hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều lực cản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN. Vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét, đặc biệt đối với các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi như công nghệ số; các ngành năng lượng mới…

Hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ và kỳ vọng của đất nước, vẫn còn DN và dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ. Thời gian qua, hầu như các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa khởi công được các dự án, công trình mới. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với tiến độ đề ra, còn phát sinh tiêu cực…

Nhận xét tại Hội nghị Thủ tướng và DNNN mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho rằng, quan điểm quản lý với DNNN của chúng ta có giai đoạn thì quá hữu - có xu hướng “buông”, nên để lại nhiều hậu quả mà đến giờ vẫn phải xử lý. Sau đó, lại chuyển sang giai đoạn quá tả - quản lý đến mức rất khó làm. Đơn cử như về vấn đề cổ phần hóa, giai đoạn vừa qua tiến độ cổ phần hóa rất chậm. “Nguyên tắc đầu tiên là bảo vệ quyền lợi tối đa cho Nhà nước. Nếu trong cuộc chơi nhiều bên mà ta muốn bảo vệ quyền lợi tối đa thì ai chơi với ta?” - ông Trần Sỹ Thanh nêu vấn đề và cho rằng, phải tìm được điểm cân bằng.

Viettel là một trong số các doanh nghiệp nhà nước đi đầu về đổi mới, sáng tạo, hoạt động hiệu quả.
Viettel là một trong số các doanh nghiệp nhà nước đi đầu về đổi mới, sáng tạo, hoạt động hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, thách thức về mô hình vận hành, quản trị của DNNN là trong mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, DNNN đang có nhiều rào cản hơn so với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Cụ thể như các vấn đề về đầu tư, tái cơ cấu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác cán bộ của DNNN đều có nhiều cản trở hơn so với kinh tế tư nhân.

Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng chia sẻ vấn đề này. Theo ông, không thể mong muốn DNNN hoạt động hiệu quả như doanh nghiệp tư nhân, “vì họ có lợi thì làm, còn DNNN đúng mới làm, mà đúng thì khó sáng tạo, khó đổi mới”. Trong bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh, nếu không sáng tạo thì không thể hiệu quả được.

Đổi mới, sáng tạo cũng là bài học mà Tập đoàn Viettel rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn. Theo đó, DNNN phải đổi mới, sáng tạo để có thể tiên phong dẫn dắt, phát triển bền vững. Thực tế những giai đoạn phát triển mạnh nhất của Viettel đều gắn liền với đổi mới, sáng tạo như: phổ cập di động, đầu tư ra nước ngoài, nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao...

Chia sẻ “VNPT nói riêng và các DN Việt Nam nói chung luôn luôn có rất nhiều hoài bão, mong muốn đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng của đất nước”, tuy nhiên, lãnh đạo VNPT cũng cho biết trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn.

Thực tế, VNPT cùng các DNNN trong lĩnh vực viễn thông đang nắm gần hết thị trường, nhưng dư địa của thị trường này đã tới hạn, doanh thu từ đây sẽ đi ngang, rồi đi xuống. Nếu muốn phát triển mạnh mẽ, cơ hội đang nằm ở lĩnh vực chuyển đổi số, ở đầu tư đổi mới, sáng tạo. Vấn đề là, với cơ chế “làm đúng” quy định, thì dù thấy không phát triển mới, DNNN cũng không dám làm, không thể làm.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp

Làm sao cho đúng quy định, chính sách mà vẫn kịp thời, hiệu quả là bài toán không dễ với các DNNN. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, khó khăn vướng mắc lớn mà Petrovietnam đang gặp phải là cơ chế chính sách cho tổ chức DNNN cồng kềnh, phức tạp, chủ yếu được thiết kế để quản lý chặt chẽ vốn nhà nước mà không theo hướng làm sao để phát triển, gia tăng vốn nhà nước.

Không thể “trăm trận, trăm thắng”

Một vấn đề nữa mà doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kiến nghị là quy định đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo phương thức đánh giá tổng thể, không đánh giá riêng từng dự án bởi điều này dẫn đến các DNNN không dám đầu tư vào các lĩnh vực mới, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, không đón đầu được các cơ hội. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường cạnh tranh thì không thể “trăm trận trăm thắng”.

Bên cạnh đó, nhiều quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều vấn đề đặc thù của hoạt động dầu khí chưa được điều chỉnh, theo kịp với xu hướng thay đổi của hệ thống pháp luật. Quy định trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư còn phức tạp, chồng chéo, khó thực hiện dẫn đến các dự án đầu tư bị kéo dài, chậm tiến độ và không hiệu quả.

Có lẽ vì những lý do này, kiến nghị được nhiều đại diện DNNN đề cập nhất tại hội nghị là tăng cường phân cấp, phân quyền cho các DNNN trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và trong công tác sắp xếp đổi mới DN.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đặc biệt kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi để phát triển gia tăng vốn nhà nước, để DNNN được chủ động, linh hoạt theo cơ chế thị trường; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho HĐTV của các DNNN, đặc biệt là cho các tập đoàn kinh tế được tự quyết và chịu trách nhiệm về các vấn đề sản xuất theo nguyên tắc vấn đề nào DNNN hiểu biết và làm tốt hơn thì phân cấp, ủy quyền cho DNNN.

Để tạo động lực cho các DNNN mạnh dạn đầu tư, Viettel đề xuất phân cấp cho hội đồng thành viên, chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty (TCT) lớn được quyền quyết định các dự án đầu tư xây dựng, mua bán tài sản cố định tới giá trị 10.000 tỷ đồng và không quá 50% vốn chủ sở hữu để các DNNN chủ động trong công tác đầu tư phát triển. Hiện nay, một số tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, giá trị đầu tư hàng năm lớn, như Viettel hiện nay vốn chủ sở hữu 160.000 tỷ đồng, đầu tư hàng năm trên 10.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Viettel cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp cho các DNNN được chủ động thành lập, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nội bộ, để thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường.

Doanh nghiệp yếu kém không khắc phục được sẽ xem xét giải thể

Nghị định số 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp (DN) do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2022 đã quy định rõ một số tổ chức, cá nhân không được mua lại DN do Nhà nước nắm 100% vốn. Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định về giải thể DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đó, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị xem xét giải thể trong các trường hợp sau: Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác. DN có dấu hiệu mất an toàn tài chính, được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt sau khi kết thúc thời hạn áp dụng phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại mà không phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh và không thực hiện được các hình thức chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại khác theo quy định của pháp luật; không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết; việc tiếp tục duy trì DN là không cần thiết; kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quy định gia hạn.

DN chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án, hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và DN cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của DN.