Với những kênh thương mại hiện đại đang nổi lên và có nhiều ưu thế, sẽ phải có giải pháp đặc thù. Ảnh tư liệu |
Giật mình vì Temu chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam
Temu xuất hiện không phép, bán hàng rầm rộ, gây náo loạn tại thị trường Việt Nam là tiêu điểm thu hút sự chú ý của dư luận trong tuần qua, đặt ra trách nhiệm cho cơ quan quản lý cần sớm siết quản lý đối với sàn thương mại điện tử.
Qua phản ánh của người tiêu dùng và khảo sát của phóng viên TBTCVN cho thấy, giá hàng hóa tiêu dùng trên Temu khá hấp dẫn và cạnh tranh mạnh so với các sàn thường mại điện tử thông dụng như Shopee, Lazada với lời mời chào giảm giá lên tới 90% cho từng sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên điều đáng bàn là cùng với Shein, Taobao, Temu đang tạo nên làn sóng hàng giá siêu rẻ từ các sàn thương mại điện tử, đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa.
Ngay khi có thông tin từ báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ đã yêu cầu đơn vị chức năng rà soát lại hoạt động của sàn này. Bởi theo quy định của Nghị định 85/2021/NĐ-CP, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký. Bộ Công thương sẽ kiểm soát, quản lý tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên với những kênh thương mại hiện đại, đặc biệt là kênh thương mại điện tử vốn đang nổi lên và có nhiều ưu thế, sẽ phải có giải pháp đặc thù để xử lý.
Sử dụng công cụ thuế tạo bình đẳng cho sản xuất trong nước Để ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ thông qua thương mại điện tử thâm nhập bất hợp pháp thị trường Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp thuế và thị trường để thực thi hiệu quả, chặt chẽ hơn và để hàng hóa bên ngoài bình đẳng với hàng sản xuất trong nước. |
"Cần bình tĩnh để đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường", ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Sự kiện Temu xuất hiện bất ngờ tại Việt Nam cũng thu hút được sự quan tâm, góp ý của đại biểu Quốc hội. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan ngại khi hàng giá rẻ bán trên các sàn thương mại điện tử quốc tế đang tràn vào Việt Nam khi chưa được cấp phép hoạt động.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam đã có đầy đủ quy định pháp luật về việc quản lý các sàn thương mại điện tử. Vì vậy, những sàn thương mại điện tử như Temu xuất hiện không phép, bán hàng rầm rộ ở thị trường Việt Nam suốt thời gian qua, cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp nội địa, đặt ra trách nhiệm cho cơ quan quản lý cần phải sớm rà soát và chấn chỉnh lại hoạt động quản lý đối với các sàn này tại Việt Nam. Điều này càng cần thiết hơn khi hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc đang tràn ngập ngày càng nhiều hơn vào thị trường Việt.
Khuyến cáo người dân không mua hàng ở Temu, Shein và 1688
Có thể thấy, việc Temu xuất hiện tại thị trường Việt Nam phần nào cho thấy sự bị động của cơ quan chức năng. Một ngày sau khi Cục Kinh tế số và Thương mại điện tử, Bộ Công thương khẳng định với cơ quan báo chí, Temu hoạt động chưa đăng ký tại Việt Nam; ngày 24/10, Temu có văn bản chính thức gửi đơn vị về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Cần nhìn nhận và đánh giá kỹ lưỡng thực tế này, bởi sự xâm lấn thị trường của hàng hóa Trung Quốc đang tạo sức ép rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và sản xuất trong nước.
Đặc biệt, nếu như hàng hóa đó xâm nhập một cách bất hợp pháp, trốn thuế và gian lận thương mại hoặc hoạt động khi chưa được cấp phép thì cần phải nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát.
Bình luận về sự việc Temu, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Đây là sự cảnh báo rất lớn, bởi sản phẩm giá rẻ nước ngoài tràn vào qua kênh này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước. Chúng ta cần hành động, phải kiểm soát về chất lượng hàng hóa, chứ không thể buông lỏng". Ông Hoàng Văn Cường cũng đưa ra dẫn chứng khi cho biết, nhiều nước như Indonesia đã ra lệnh cấm, Thái Lan tăng thuế, còn Âu - Mỹ định siết các quy định hoạt động và nhập khẩu. Với hàng loạt vụ việc đã được lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện thời gian qua, việc quản lý hàng hóa ngày càng chặt chẽ hơn, từng bước ngăn chặn và loại bỏ được hàng gian, hàng giả và trốn thuế trên thị trường.
Đồng thời, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội sửa một số luật thuế, nhưng theo ông Hoàng Văn Cường, để đảm bảo tính đồng bộ, ngăn chặn được các sản phẩm gian lận thương mại, trốn thuế trên các kênh thương mại điện tử, đây là vấn đề cần phải đánh giá thấu đáo.
Ứng phó với việc xé rào nêu trên, Bộ Công thương cảnh báo, thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ.
Do đó, ngày 26/10, Bộ Công thương đã ban hành Văn bản 8598/BCT-TMĐT, chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động.
Bộ Công thương khuyến cáo người dân không nên mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Bộ cũng chỉ đạo Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.
Tại văn bản này, Bộ Công thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Không tuân thủ pháp luật, Temu, 1688, Shein sẽ bị chặn truy cập từ Việt Nam Liên quan đến sự kiện Temu trong những ngày qua, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, các đơn vị thuộc Cục đang khẩn trương rà soát tổng thể về tác động cũng như các giải pháp đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, 1688 và Shein để đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam. Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu. Thời hạn cụ thể để các doanh nghiệp nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam hoàn tất hồ sơ đăng ký hoạt động với Bộ Công thương hiện được quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Không hoàn tất hồ sơ sẽ chặn truy cập các sàn từ Việt Nam. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cũng cho biết, đối với các sàn thương mại điện tử mà có đăng ký hiện diện tại Việt Nam, doanh nghiệp được phép khuyến mãi dưới 50% mà không phải thông báo, khuyến mãi trên 50% chỉ được áp dụng khi doanh nghiệp tham gia vào chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia như tết, các dịp lễ lớn theo quy định. Nếu các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam sẽ rất khó xử lý, vì họ chưa hiện diện ở Việt Nam, do vậy cần nghiên cứu các giải pháp xử lý mạnh hơn như gỡ app, chấm dứt hoạt động như cách mà một số quốc gia đã làm. Thời gian qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo các sở công thương rà soát trên địa bàn, nếu phát hiện vi phạm vượt mức khuyến mại có quyền phạt trực tiếp. |