Một góc cửa khẩu tại Lạng Sơn.

Một góc cửa khẩu tại Lạng Sơn.

Đây là bước đột phá nhằm sớm đưa Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2023.

Kênh thông tin kết nối đa chiều

Thời gian qua, Lạng Sơn đã huy động hơn 16.000 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tại các khu vực cửa khẩu, các đơn vị liên quan tập trung phát triển và khai thác, quản lý hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới. Đặc biệt là việc đầu tư các khu vực chức năng, các dịch vụ hậu cần logistics để hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC) người và phương tiện qua các cửa khẩu, nhất là 2 cửa khẩu lớn là Hữu Nghị và Tân Thanh ngày một thông thoáng. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, lực lượng tại các cửa khẩu đẩy mạnh hiện đại hóa một số hoạt động tại các cửa khẩu.

Trước tiên là điện tử hóa các thủ tục hành chính về XNK và XNC. Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng, sau một thời gian nỗ lực cùng toàn ngành Hải quan, từ năm 2015 đến nay, mọi thủ tục liên quan tới hàng hóa XNK của doanh nghiệp (DN) đều được thực hiện qua hệ thống VNACCS (thông quan tự động). Đến nay, hơn 90% số DN tham gia hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện khai báo qua hệ thống này. Việc thực hiện khai báo trên hệ thống hoàn toàn tự động, giúp DN chủ động thời gian, giảm bớt giấy tờ, thủ tục khai báo, từ đó, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN, thậm chí nếu phát hiện nhầm lẫn, sai sót có thể kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, thực tế, nhu cầu hàng hóa XNK ngày càng gia tăng về khối lượng, hạ tầng bến bãi, dịch vụ logistics tại hai cửa khẩu này đều đang bị quá tải. Trong năm, có nhiều thời điểm hàng hóa ùn ứ cục bộ tại khu vực cửa khẩu khiến cho công tác quản lý giám sát hàng hóa XNK, phương tiện XNC của cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn. Theo đó, chi phí, thời gian của DN bị đội lên, thậm chí thiệt hại do hư hỏng hàng hóa, đặc biệt là mùa cao điểm thu hoạch nông sản.

Do đó, việc tỉnh Lạng Sơn triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số, thay đổi cách vận hành, điều hành đang tồn tại không chỉ là mong muốn của tất cả các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng có nhiệm vụ quản lý, giám sát tại khu vực cửa khẩu mà còn là mong muốn của rất nhiều DN hoạt động kinh doanh XNK hàng hóa.

Nền tảng cửa khẩu số tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và DN tham gia hoạt động XNK. Dự kiến từ 25/9, nền tảng cửa khẩu số sẽ đi vào hoạt động tại 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh.

Hướng tới công khai, minh bạch

Với kết nối đa chiều, cơ quan quản lý tại cửa khẩu có thể nắm rõ được hiện có bao nhiêu xe chở hàng đang lên khu vực cửa khẩu để điều tiết, qua đó sẽ chủ động giải pháp xử lý không để ùn ứ xe trong khu vực cửa khẩu. DN cũng có thể nắm bắt được có bao nhiêu xe trong khu vực cửa khẩu, tình trạng thông quan trong thời điểm đó,… để điều tiết lượng xe chở hàng hóa lên cửa khẩu. Qua nền tảng cửa khẩu số, các nhà quản lý, các DN chỉ cần có điện thoại kết nối internet là có thể theo dõi được chi tiết, cụ thể lộ trình, quá trình thông quan của phương tiện chở hàng hóa XNK,…

Với việc triển khai nền tảng cửa khẩu số, UBND tỉnh Lạng Sơn hướng tới công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và DN tham gia hoạt động XNK tốt hơn.

Đặc biệt, nền tảng cửa khẩu số sẽ thay đổi quy trình để tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu các tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu.

Hiện Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thành lắp đặt 4 camera trí tuệ nhân tạo kết nối với nền tảng cửa khẩu số; kết nối 4 camera giao thông dọc tuyến quốc lộ 1A từ địa bàn huyện Hữu Lũng đến khu vực cửa khẩu, kiểm thử các chức năng của nền tảng cửa khẩu số trên app mobile, trên giao diện website; kiểm thử các chức năng hoạt động kết nối GPS, bản đồ số, hệ thống soi chiếu,…

Hồng Vân