Đây là nhấn mạnh của GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội thảo công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn ra chiều 29/10, tại Hà Nội do Bộ Y tế tổ chức.
Thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá hơn 108 nghìn tỷ đồng/năm
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tại Việt Nam, gánh nặng bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh chính là tim mạch, ung thư, bệnh phổi mạn tính… đang gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 84% nguyên nhân tử vong và 73% tổng gánh nặng bệnh tật.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Nam. |
Phòng chống bệnh không lây nhiễm đang là ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế của Việt Nam. Kiểm soát yếu tố nguy cơ là biện pháp hiệu quả nhất và cũng là quan trọng nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Sử dụng thuốc lá nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ hành vi hàng đầu cần kiểm soát.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật. Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). |
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sau hơn 10 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%; tỷ lệ hiện hút ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống, trên thị trường nước ta đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và sản phẩm thuốc lá lai giữa hai sản phẩm này.
Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Các bệnh viện đã ghi nhận các tình trạng nhập viện có liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy.
Phát hiện nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử trộn ma túy
Tham luận tại hội thảo, Thượng tá Nguyễn Duy Trung - Phó Trưởng phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) cảnh báo, qua theo dõi của Bộ Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử thế hệ mới và thuốc lá điện tử có pha tẩm ma túy trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử.
Đối tượng bị tác động, lôi kéo sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Trong nước, số vụ, số đối tượng, vật chứng bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thượng tá Nguyễn Duy Trung - Phó Trưởng phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) tham luận tại hội thảo. |
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy, Công an cả nước phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ/ 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.
Thuốc lá thế hệ mới không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện các các doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất tại Việt Nam với số lượng lớn.
Theo Thượng tá Nguyễn Duy Trung, nếu trước đây, các sản phẩm thuốc lá điện tử chủ yếu được nhập lậu, xách tay thì 2 năm trở lại đây các đối tượng đã nhập lậu các bộ phận sản phẩm, nhập lậu chất ma túy. Sau đó tổ chức pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy và rao bán tại thị trường Việt Nam với số lượng rất lớn.
Năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện, triệt phá kho sản xuất thuốc lá điện tử có tẩm chất ma túy với số lượng lớn ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, phát hiện 3.500 sản phẩm thuốc lá điện tử trộn ma túy, 84 lít tinh dầu có chứa ma túy và phụ kiện để làm 10.000 sản phẩm...
"Qua công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử và tham gia một số cuộc họp, hội thảo do các ủy ban của Quốc hội, Bộ Y tế tổ chức, Cục Phòng, chống tội phạm về ma tuý nhận thấy, cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của Bộ Y tế là hợp lý" - Thượng tá Trung nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tình hình số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng mạnh (từ 2,6% vào năm 2019 đến 8% vào năm 2023); trong khi, việc kiểm tra, giám sát học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong nhà trường, đặc biệt là ở ngoài nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả. |