PV: Việc Trung Quốc nới lỏng chính sách “Zero Covid” được giới kinh doanh kỳ vọng có thể giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng tốt hơn, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Sự phục hồi của đồng Nhân dân tệ sẽ hỗ trợ cho VND vững giá
Ông Michael Kokalari

Ông Michael Kokalari: Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vì vậy các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và mọi người đều quan tâm đến tác động từ việc Trung Quốc nới lỏng chính sách “Zero Covid” đối với Việt Nam.

Theo quan sát của chúng tôi, vừa qua Trung Quốc đã bỏ nhiều/hầu hết các yêu cầu xét nghiệm Covid, ngừng “truy vết Covid” và đã ngưng thông báo số ca nhiễm Covid. Trong khi đó, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc (CEWC) đã nhắc lại cam kết của chính phủ về “cải thiện tổng thể” và “tăng trưởng hợp lý” cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm tới.

Với động thái này, đa số các nhà phân tích đều đồng thuận việc tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Trung Quốc sẽ tăng từ khoảng 0% trong năm 2022 lên khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2023 và mức sử dụng năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 10% trong năm tới. Do đó, các nhà đầu tư (và mọi người) đang quan tâm liệu Việt Nam có thể hưởng lợi như thế nào từ sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc.

Trung Quốc mở cửa trở lại đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của đồng Nhân dân tệ và VND.
Trung Quốc mở cửa trở lại đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của đồng Nhân dân tệ và VND.

PV: Với vai trò là đối tác thương mại rất lớn đối với Việt Nam, như vậy, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách “Zero Covid” sẽ có tác động như thế nào với tỷ giá của VND so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới?

Ông Michael Kokalari: Tôi nhận thấy, VND đã tăng giá hơn 5% trong tuần cuối cùng của tháng 11 và tuần đầu tiên của tháng 12. Diễn biến này diễn ra cùng khoảng thời gian Trung Quốc thay đổi chính sách "Zero Covid" vào ngày 7/12. Điều này cũng có thể có mối liên hệ với diễn biến của đồng Nhân dân tệ vì đồng tiền này cũng tăng giá khoảng 5% trong hai tuần đó.

Trước đó, VND của Việt Nam đã giảm giá tới 9% so với đầu năm vào giữa tháng 11 do đồng USD tăng giá mạnh trong năm nay. Vì vậy, sự sụt giảm vừa phải của USD gần đây cũng giúp giảm bớt áp lực mất giá đối với VND, nhưng sự gia tăng giá trị của đồng Nhân dân tệ là yếu tố chính thúc đẩy VND phục hồi như đề cập ở trên.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về mối liên hệ này được không?

Ông Michael Kokalari: Cần lưu ý thêm rằng, giá trị của USD/chỉ số đồng Đô la Mỹ (DXY) về cơ bản không thay đổi trong hai tuần nêu trên, trong cùng thời gian đó đã xuất hiện một số tin tức thể hiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam cũng không có gì nổi bật đáng chú ý trong 2 tuần này. Cả hai yếu tố đó cho thấy rõ chính sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ đã khiến VND tăng giá.

Về mối liên hệ giữa VND và đồng Nhân dân tệ, Việt Nam có thâm hụt thương mại khoảng 17%/GDP với Trung Quốc và sự tăng giá của Đồng Nhân dân tệ so với VND có thể làm có tác động làm tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong ngắn hạn. Vì vậy, tâm lý thị trường thường lấn át các yếu tố kinh tế trên thị trường ngoại hối và tâm lý tích cực khi Trung Quốc mở cửa trở lại đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của đồng Nhân dân tệ và VND.

Ít khả năng xảy ra nhập khẩu lạm phát

Trước đây, giá thực phẩm Trung Quốc tăng cao có thể khiến giá thực phẩm Việt Nam tăng do hai nước có khoảng cách địa lý gần nhau. Nhưng theo dự báo, có một số yếu tố có khả năng hạn chế gia tăng tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc (bao gồm cả lạm phát giá lương thực) trong nửa đầu năm 2023. - Ông Michael Kokalari.

PV: Theo ông, những ngành nghề nào sẽ phục hồi mạnh khi thương mại Việt Nam và Trung Quốc kết nối trở lại?

Ông Michael Kokalari: Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng hóa dùng cho sản xuất hoặc hàng hóa trung gian khác liên quan đến sản xuất hàng điện tử và hàng may mặc. Những hàng hóa này chiếm đến hai phần ba tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Một số công ty Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, chẳng hạn như những công ty hải sản và các sản phẩm nông nghiệp khác, nhưng xuất khẩu các sản phẩm được tiêu thụ ở Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Một số nhà phân tích cũng đề cập đến kịch bản việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, chúng tôi thấy điều này không có khả năng xảy ra vì môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn nhất định.

PV: Xin cảm ơn ông!

Năm 2022: Lạm phát đồng VND so với USD thấp hơn nhiều nước trên thế giới

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trong năm 2022, VND mất giá khoảng 3,8%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm. Tuy nhiên, mức biến động này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Tỷ lệ lạm phát bình quân khoảng 3,2%.

Theo đánh giá của NHNN, trong khi có đến 80 quốc gia trên thế giới ghi nhận mức lạm phát trên 2 con số, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Trong kỳ báo cáo tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.

Năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới có cả thuận lợi và thách thức đan xen.

Trong bối cảnh này, NHNN cho biết sẽ vẫn tiếp tục bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Mục tiêu năm 2023 vẫn kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Trong đó, NHNN sẽ vẫn điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Về hoạt động tín dụng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 vẫn được cân nhắc điều hành hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Một trong những hoạt động được quan tâm trong lĩnh vực ngân hàng năm 2023 là việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, các yêu cầu đặt ra là đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng.