nước sạch

Trên cơ sở khung giá, UBND cấp tỉnh ban hành biểu giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt áp dụng chung cho từng nhóm. Ảnh: TL.

Đã bù đắp được chi phí giá nước

Hiện nay giá nước sạch hiện đang được quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của liên Bộ Tài chính- Xây dựng- Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 75).

Qua 8 năm thực hiện, thông tư liên tịch này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đã khẳng định và hướng dẫn rõ các nguyên tắc tính giá nước, khung giá tiêu thụ nước sạch để các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch thực hiện được nguyên tắc xây dựng mức giá bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất. Giá nước đã bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận hợp lý, xoá dần bao cấp về giá nước.

Theo thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, sản lượng cung ứng nước sạch trung bình của các đơn vị cả đô thị và nông thôn giai đoạn năm 2016 - 2018 tăng ở mức 3,93% - 7,46%, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hàng năm tăng khoảng 3,6% - 7,8% giai đoạn năm 2016 - 2018.

Bên cạnh đó, việc quy định tỷ lệ hao hụt nước sạch tối đa, cơ chế thưởng từ việc giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất, cung ứng nước để tính trong giá tiêu thụ nước sạch đã tạo ra tác động tích cực giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Quy định hiện hành cũng đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác xây dựng giá nước sạch, thẩm định và ban hành giá nước sạch sinh hoạt; hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá thành toàn bộ đối với nước sạch. Đáng chú ý, nước sạch khu vực nông thôn đã được quy định phương pháp xác định riêng.

Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình thực hiện của các địa phương và quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng nước sạch cho thấy, quy định hiện hành đã phát sinh nhiều bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Trên thực tiễn, đã xuất hiện các vướng mắc, tranh chấp liên quan đến việc áp giá nước. Đơn cử, Thông tư liên tịch số 75 quy định riêng giá nước cho đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp bao gồm trường học, bệnh viện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi có nhiều bệnh viện, trường học tư kinh doanh dịch vụ công với mô hình doanh nghiệp, thì áp giá hành chính, sự nghiệp hay áp giá kinh doanh, dịch vụ? Trên thực tế đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các đơn vị là bệnh viện, trường học tư với doanh nghiệp nước sạch và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định giá nước.

Quy định chặt chẽ hơn

Những tồn tại đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư liên tịch số 75. Trong dự thảo vừa được hoàn thiện, Bộ Tài chính dự kiến sẽ bổ sung một số quy định còn thiếu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thực thi pháp luật và đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng nước sạch.

Đặc biệt, bổ sung một số nội dung quan trọng bao gồm: khung giá nước sạch; giá nước đối với công trình cấp nước phi tập trung, công trình nhỏ lẻ, công trình tự chảy, giá nước sạch làm căn cứ ký thỏa thuận cấp nước và giá nước công trình chưa quyết toán tổng mức đầu tư; quy trình xây dựng, thẩm định và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành giá nước; lập phương án giá; nâng cao chất lượng nước sạch qua giá và lộ trình giá nước sinh hoạt.

Theo dự thảo thông tư, khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho bán buôn và bán lẻ nước sạch (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy định như sau: Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp có giá từ 3.000 – 18.0000 đồng/m3; hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn giá từ 2.000 – 11.000 đồng/m3; công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy có giá từ 500 – 7.000 đồng/m3.

Trên cơ sở khung giá nêu trên, UBND cấp tỉnh ban hành biểu giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt áp dụng chung cho từng nhóm: Nhóm hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp; nhóm hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn; nhóm công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy. Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt áp dụng chung cho từng nhóm đảm bảo cho đơn vị chỉ cung cấp nước sạch cho sinh hoạt bù đắp chi phí theo nguyên tắc quy định tại thông tư này và có lợi nhuận phù hợp.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, về mặt pháp lý hiện nay đã có nhiều văn bản quy định về định giá nước. Theo đó, các văn bản pháp lý đã quy định rất chi tiết, cụ thể về nguyên tắc định giá nước, phương pháp xác định giá nước, thẩm quyền quyết định giá nước. Trong đó, về thẩm quyền quyết định giá nước, Bộ Tài chính ban hành khung giá nước sạch sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc, còn UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án giá nước và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn do địa phương quản lý, phù hợp với khung giá nước chung.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về định giá nước có quy định, giá nước phải tính đúng, tính đủ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đến nay, hầu hết các địa phương chưa xây dựng được hoặc không xây dựng định mức dự toán sản xuất nước sạch, do đó, đây là “kẽ hở” khiến một số doanh nghiệp cung cấp nước có thể lợi dụng để lập phương án giá nước sai, không đúng quy định hoặc có thể dẫn đến những tiêu cực trong quá trình phê duyệt phương án giá nước./.

Minh Anh