cầm thị mẫn

ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa): Quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn và sự kiện trọng đại sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách. Ảnh: quochoi.vn.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng cần phải sửa đổi luật và phải hướng tới nâng cao chất lượng công tác đặc xá, khắc phục tình trạng số lượng người được đặc xá quá lớn, bảo đảm ý nghĩa đặc biệt và giá trị khác biệt cơ bản của đặc xá so với chính sách khoan hồng khác dành cho những người thực sự xứng đáng.

ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) lại quan tâm đến thời điểm đặc xá. Theo quy định tại dự thảo luật, Chủ tịch nước sẽ xem xét quyết định việc đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. ĐB đề nghị bỏ quy định về việc đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước. Bởi theo ĐB việc áp dụng song song hai chế định này một cách thường xuyên có thể dẫn tới trùng lặp về chính sách, làm mất ý nghĩa đặc ân, đặc biệt của chính sách đặc xá.

Theo ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thật kỹ việc quy định đặc xá đối với các trường hợp người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố. Bởi đây là các tội phạm đặc biệt nguy hiểm được thực hiện do lỗi cố ý, ngay cả Bộ Luật Hình sự cũng không cho phép tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với những đối tượng này.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng vừa mở rộng một số điều kiện nhưng lại thu hẹp ở một số điều kiện khác. Theo ĐB, để luật sửa đổi đi đúng hướng phải đánh giá đúng hạn chế, bất cập và nguyên nhân. Số lượng phạm nhân được đặc xá mỗi đợt tuy nhiều, nhưng xét về con số tuyệt đối so với số người chấp hành án cũng như số lượng được giảm án, tha tù trước thời hạn là không lớn. Bởi theo ĐB, đây cũng là việc “đặc biệt góp phần quan trọng vào việc giảm tải cho trại giam”.

“Nếu nói con số đặc xá quá lớn thì cần xác định rõ có phải là lỗi của luật hay không? Thực tế cho thấy có lần đặc xá 20.000 người, lần gần đây nhất chỉ 4.000 người. Tại sao số lượng khác nhau khi điều kiện đặc xá không thay đổi? Nếu nói đặc xá là quá nhiều thì đầu tiên lỗi của bộ phận tham mưu giúp việc không nắm sát tình hình mà không phải lỗi của luật”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường nói.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình (ĐBQH đoàn Quảng Ngãi) bày tỏ đồng tình với đánh giá của nhiều ĐB, trong thời gian vừa qua việc đặc xá hơi bị lạm dụng quá, mà yêu cầu nhân đạo, một biện pháp nhân đạo của nhà nước thì mờ hơn với việc nhu cầu giảm tải. “Chính vì vậy, trong 10 năm chúng ta có 7 đợt đặc xá, trung bình khoảng gần 1,5 năm chúng ta có một đợt và tổng số đặc xá 85.000 người, như vậy một đợt hơn 10.000 người và điều này tạo ra một sự mâu thuẫn là khi Hội đồng xét xử tăng lên 6 tháng, 1 năm thì phải họp cân nhắc, thậm chí chịu áp lực rất lớn từ xã hội.

Nhấn mạnh sự khác nhau giữa đặc xá với tha tù trước thời hạn được quy định ở Luật Hình sự, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, quy định về thời điểm và điều kiện cần khác nhau nhưng thể hiện như dự thảo luật lại có phần hơi giống nhau. Theo ông: “Cần lưu ý thời điểm đặc xá phải đúng là sự kiện đặc biệt quan trọng chứ làm mỗi năm thì dễ trùng với tha tù trước thời hạn”.

Sau khi các ĐBQH tham luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại diện cơ quan chủ trì, soạn thảo dự án luật cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của QH nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo luật, đặc biệt về một số các nội dung các ĐBQH quan tâm./.

Minh Anh