Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị tốt nhất các đề án trình Quốc hội
Báo cáo chung của Bộ Tài chính cho thấy, việc triển khai các đề án đều đang đảm bảo tiến độ đề ra. Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Hưng – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), giữa tháng 9/2024, Chính phủ đã trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và cho ý kiến về dự án này tại Phiên họp thứ 37. Căn cứ ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng đã được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 9 vừa qua. Hiện nay, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội. Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện dự án Luật.
Đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, ngày 22/9/2024, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án này. Đầu tháng 10, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện.
Chi từ dự phòng 11,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ sau thiên tai Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng 11,4 nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hỗ trợ cho các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, cấp bách; kinh phí phòng, chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, bổ sung 350 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và ổn định đời sống nhân dân. |
Tương tự với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật), ông Hoàng Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Kinh tế cũng đã tiến hành họp thẩm tra đối với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức Phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật này tại Phiên họp thứ 38 đang diễn ra.
Về cơ bản, các luật đang đảm bảo đúng tiến độ. Sau khi có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Chỉ đạo nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực tài chính.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh quan điểm: “Khi xây dựng các luật phải làm sao sau khi ban hành có thể giải quyết các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian tới”. Với quan điểm đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi yêu cầu các đơn vị được giao chủ trì tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt nhất các đề án cả về chất lượng và tiến độ, đảm bảo đạt kết quả cao nhất khi trình ra Quốc hội. Tập thể Lãnh đạo Bộ đã có phân công và quán triệt sẽ chỉ đạo sát sao theo mảng lĩnh vực để công tác xây dựng pháp luật đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Phấn đấu vượt thu ngân sách 10%
Toàn cảnh buổi giao ban. |
Về công tác điều hành ngân sách nhà nước năm 2024, theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng.
Riêng trong tháng 9, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 116,4 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 68,7 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng).
Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối ngân sách 9 tháng ước đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán, tăng 1,4% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 320,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,3% dự toán Quốc hội quyết định. Tỷ lệ giải ngân ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm cả về giá trị và tỷ lệ so cùng kỳ.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng được thực hiện theo dự toán, tập trung đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương và các khoản có tính chất lương đến các đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Chỉ đạo nội dung này, Thứ trưởng Võ Thành Hưng yêu cầu các đơn vị thu tiếp tục phấn đấu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, ít nhất vượt thu 10% dự toán như đã báo cáo với Quốc hội. Cùng với đó, yêu cầu rà soát khoản 5% tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.
Hoãn xuất cảnh với người nợ thuế là thực hiện đúng pháp luật Thời gian qua, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng phương thức tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp… nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế dù cơ quan thuế đã áp dụng đủ các biện pháp quy định thì tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp cần thiết. Song, một số cá nhân, doanh nghiệp lại cho rằng như vậy là “quá nặng”. Khẳng định tại cuộc họp giao ban của Bộ Tài chính ngày 8/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế đang làm đúng quy định pháp luật và hiệu quả thu hồi nợ thuế từ giải pháp này rất rõ ràng, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có khoảng 24.000 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ thuế trên 50.000 tỷ đồng. Số thuế đã thu lại được là trên 2.000 tỷ đồng. Thậm chí, nhờ biện pháp này mà “truy ra” gần 8.000 trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh khi vẫn nợ thuế. Lãnh đạo Tổng cục Thuế mong rằng, dư luận ủng hộ biện pháp này của cơ quan thuế. Tới đây, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Trong quá trình sửa Luật, Bộ Tài chính, cơ quan thuế sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, xin ý kiến cụ thể của các đối tượng chịu tác động để có cái nhìn bao quát hơn, nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp. Trường hợp những cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thể nộp thuế mà có thiện chí thì sẽ có giải pháp hỗ trợ. Cũng có thể sẽ đề xuất các mức nợ thuế cụ thể với từng trường hợp để áp dụng các biện pháp cưỡng chế. |