Sẵn sàng “xông pha” ở những điểm “nóng”

Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, báo chí đã thông tin rất sớm, kịp thời tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và có những cảnh báo khả năng lây nhiễm đến Việt Nam. Trong năm 2021, báo chí cũng liên tục cảnh báo tình hình dịch ở Ấn Độ và một số nước trong khu vực châu Á với các dấu hiệu biến chủng của virus, sự thiếu cảnh giác ở vài quốc gia hay những kinh nghiệm chống dịch có ích… Những thông tin về tình hình lây nhiễm, cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng tránh, khả năng chữa trị… được báo chí đưa tin rất có ý nghĩa, giúp người dân nâng cao hiểu biết và tự phòng tránh cho bản thân, gia đình.

Nhiều nhà báo thực sự đã “xông pha” ở những điểm “nóng”, trong các bệnh viện, ở các khu cách ly, vùng biên giới… để có những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động, phong phú. Thậm chí có trường hợp nhà báo đã bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tác nghiệp, nhiều phóng viên tác nghiệp trong tâm thế của những “phóng viên chiến trường” để kịp thời thông tin đến bạn đọc.

Phóng viên tác nghiệp trong đại dịch Covidd-19.
Phóng viên tác nghiệp trong đại dịch Covidd-19.

Báo chí thông tin về dịch bệnh rất mạnh mẽ, từ việc thường xuyên cập nhật số ca nhiễm trong nước, số ca hồi phục và tử vong trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho đến những tin bài, phóng sự, câu chuyện, thước phim khắc họa hình ảnh các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm quên mình vì người bệnh ở tâm dịch đã làm lay động hàng triệu trái tim. Hay những nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch của người dân, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cho đến các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương; những người đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch để bảo vệ “vùng xanh”… cũng đã được báo chí phản ánh kịp thời. Chính những thông tin từ báo chí, đã giúp người dân biết và đồng lòng hành động, góp phần vào công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ, các cơ quan truyền thông (báo chí) một lần nữa không ngừng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Những nhà báo, phóng viên sẵn sàng “xông pha” vào tâm dịch tác nghiệp, trở thành những chiến sĩ tiên phong, xung kích trên mặt trận thông tin để truyền tải tới người dân những thông tin chính xác, công khai, minh bạch cũng như vạch trần vấn nạn tin giả đang hoành hành; góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng tâm hợp lực, quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông luôn luôn chủ động, với nhiều hình thức, kịp thời cung cấp thông tin; góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa, kiểm soát dịch, được nhân dân ghi nhận, đồng thời góp phần tạo được uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuyên truyền mạnh mẽ việc thực hiện “mục tiêu kép”

Cùng với đó, báo chí đã thể hiện sự định hướng rất tích cực trong suốt cuộc chiến chống dịch Covid-19, đó là kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác phòng chống dịch, thể hiện sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nhất quán và hiệu quả về công tác này, giúp người dân yên tâm và tin tưởng về hoạt động phòng chống dịch. Thông tin của báo chí cơ bản đúng mực, phù hợp, không gây hoang mang, lo lắng cho người dân nhưng cũng không làm dư luận chủ quan, thờ ơ. Báo chí cũng kịp thời phê phán những biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch, như thái độ lơ là, sự lo lắng quá mức của một bộ phận nhân dân, việc thông tin sai trái liên quan đến dịch bệnh, hiện tượng đầu cơ khẩu trang, nước rửa tay…

Truyền thông, báo chí trở thành “vắc-xin tư tưởng, tinh thần”

Sức mạnh truyền thông, báo chí được lan tỏa rộng rãi, trở thành “vắc-xin tư tưởng, tinh thần”, góp phần quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch như Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về niềm tin vào sự “thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”.

Báo chí còn thông tin nhanh về các hoạt động hỗ trợ người dân trong mùa dịch, như điểm phát khẩu trang miễn phí, điểm phát quà cho người nghèo, thủ tục nhận hỗ trợ theo các gói của Chính phủ và địa phương. Ngoài ra, báo chí còn kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ người dân, như các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, nhân viên phục vụ ở các điểm cách ly, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động này…

Trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, báo chí đã tích cực thông tin đến quốc tế về cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng, đặc biệt gắn với chủ đề “xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, nêu những mô hình tốt trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, giải ngân đầu tư công, đề xuất các giải pháp hay, giới thiệu các mô hình sáng tạo... nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đưa nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau dịch.

Dịch Covid-19 đã làm nhiều ngành, nhiều giới phải điều chỉnh hoạt động của mình thì chính báo chí cũng phải tự điều chỉnh để không chỉ thích nghi, mà còn phải thực hiện tốt vai trò thông tin, định hướng công chúng của mình. Thực tế cho thấy, báo chí đã có nhiều đóng góp tích cực để góp phần quan trọng vào chiến thắng đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.

Báo chí, truyền thông luôn trên tuyến đầu chống dịch

Luật Báo chí Việt Nam khẳng định, báo chí là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Tiếng nói của báo chí không chỉ phản ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân “gửi gắm” tâm tư nguyện vọng, “vũ khí” giám sát của mình đối với Đảng và Nhà nước.

Nhiều chuyên gia nhận định, truyền thông có sức mạnh “chinh phục cơn hoảng loạn của người dân trong đại dịch Covid-19”. Đơn cử như tại Hà Nội, thực tế cho thấy, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn thành phố, một số bộ phận người dân đã tập trung đi mua lương thực, tích trữ hàng hóa... Báo chí đã kịp thời cập nhật, đăng tải thông tin Bộ Công thương và UBND thành phố Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn, góp phần ổn định tâm lý người dân.

Báo chí thời đại nào cũng luôn có mặt trên tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng đến định hướng thông tin, dư luận xã hội, tác động lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.