đường ngang

Tính đến 31/8/2016, Tổng Đường ngang các loại là 1.495. Ảnh: TL

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Bộ Giao thông vận tải, 9 tháng đầu năm, Tổng công ty đã thành lập 258 đoàn kiểm tra đảm bảo an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS) trên các tuyến đường sắt. Phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của địa phương tổ chức giải tỏa 121 vị trí vi phạm hành lang ATGTĐS.

Trong 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã xử lý 145 trường hợp vi phạm trật tự ATGTĐS với số tiền trên 69 triệu đồng.

Đồng thời, Tổng công ty ĐSVN cũng phối hợp với đơn vị liên quan của địa phương hoàn tất việc rà soát, lập hồ sơ các đường ngang, lối đi dân sinh và đã bàn giao lại cho địa phương để phối hợp quản lý.

Tính đến 31/8/2016, tổng đường ngang các loại là 1.495, trong đó: đường ngang có gác là 632; đường ngang cảnh báo tự động là 339; đường ngang có biển báo là 524 điểm.

Trong 9 tháng đầu năm, Tổng công ty cũng đã triển khai lắp đặt cần chắn tự động cho 216/339 đường ngang cảnh báo tự động; lắp đặt động cơ điện cho cần chắn, giàn chắn tại 148/632 đường ngang có gác.

Cũng theo ông Đoàn Duy Hoạch, Tổng công ty cũng đã chỉ đạo các đơn vị duy trì việc bố trí người cảnh giới tại 112 đường ngang không có gác trong phạm vi ga và tại 34 “điểm đen” có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.

Các địa phương, các đơn vị quản lý đường sắt và Đoàn thanh niên đường sắt đã tổ chức cảnh giới tại 264 điểm (trong đó cảnh giới thường xuyên là 221 điểm và tăng cường dịp vận tải cao điểm là 43 điếm của Đoàn TNĐS).

Đồng thời, Tổng công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý hoạt động và kiểm soát phương tiện vận tải trên các tuyến đường sắt. Đã tổ chức 18 đợt cân tải trọng toa xe với tổng số 380 toa xe, qua cân kiểm tra không có toa xe vi phạm chở hàng quá tải.

Nhờ những giải pháp đó nên tình hình TNGTĐS đã giảm với cùng kỳ 2015 cả về chủ quan lẫn khách quan, dẫn đến thiệt hại số người chết giảm; tuy nhiên, số người bị thương đã tăng, cụ thể đã xảy ra 285 vụ TNGTĐS, giảm 68 vụ, giảm 19,3%.

Cụ thể, tai nạn do chủ quan 9 vụ, giảm 17 vụ, giảm 65,4%; do khách quan 276 vụ, giảm 51 vụ, giảm 15,6%; làm tử vong 115 người, giảm 46 người, giảm 28,6%; bị thương 208 người, tăng 7 người, tăng 3,5%.

Ông Đoàn Duy Hoạch cho biết thêm, nguyên nhân về khách quan do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia thông chưa cao. Do người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ cố tình vượt qua đường sắt không chú ý quan sát, hoặc cố tình phóng nhanh, vượt ẩu qua đường sắt khi tàu đến gần bị tàu đâm va, cán, gạt.

Trong đó chủ yếu là người đi bộ, xe máy, ô tô gây ra; đặc biệt là đã có 8 trường hợp người đi bộ cố tình lao vào tàu (tự tử) đây cũng là nguyên nhân làm cho TNGTĐS tăng.

Về nguyên nhân chủ quan do nhân viên đường sắt thực hiện chưa đúng thao tác của hệ thống thông tin tín hiệu điểu khiển tập trung; do cơ sở hạ tầng ĐS trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng thực hiện không đúng quy định trong điều kiện vừa thi công vừa tô chức chạy tàu.

Để tiếp tục kéo giảm TNGTĐS so với năm 2015 ít nhất là 5% ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương; giảm 5% sự cố chạy tàu do chủ quan; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan, từ nay đến cuối năm ông Đoàn Duy Hoạch cũng cho biết, Tổng công ty sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định.

Tập trung triển khai tập huấn các quy chế, quy định: về quản lý an toàn; phối hợp cứu hộ, cứu nạn; công tác điều tra sau sự cố, TNGTĐS cho lực lượng làm công tác an toàn của các đơn vị thuộc Tổng công ty.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp quy liên quan đến ATGTĐS đối với các chức danh làm trực tiếp làm công tác chạy tàu; duy trì công tác kiểm tra tải trọng hàng hóa, phương tiện vận tải; gắn chặt hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm với tuyền truyền, phổ biến Nghị định 46/2016/NĐ-CP.../.

Trí Dũng