Tận dụng ưu đãi thuế theo các FTA, tạo động lực phát triển kinh tế
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Tuân thủ đúng lộ trình cắt giảm thuế quan

Tại hội thảo với chủ đề “Thực thi hiệu quả cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/5/2023, bà Nguyễn Phương Linh - Trưởng phòng Hợp tác đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, tiếp tục thực hiện cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong các FTA/PTA, đồng thời nhằm thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam triển khai Danh mục AHTN 2022 (có hiệu lực từ ngày 30/12/2022) và thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 17 Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do/Hiệp định Thương mại (FTA/PTA) giai đoạn 2022 - 2027 có hiệu lực từ ngày 30/12/2022 để thay thế các Nghị định cho giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan, phù hợp với cam kết quốc tế.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, về cơ bản, các nội dung quy định tại các Nghị định nêu trên đều kế thừa toàn bộ các quy định tại các Nghị định ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA/PTA giai đoạn trước đây (2018 - 2022) nhằm đảm bảo sự ổn định về chính sách, đồng thời tuân thủ đúng lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết tại các hiệp định này. Các nghị định đều phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp; đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

Trong bài giới thiệu về 17 nghị định trên, bà Nguyễn Phương Linh cho biết, các điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, gồm: các mặt hàng thuộc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên của hiệp định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp) và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của hiệp định.

Lộ trình cắt giảm thuế quan RCEP

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan RCEP, mức thuế suất bình quân (tính các dòng có thuế suất) cho giai đoạn 2022 - 2027 tính trên tổng biểu thuế Nghị định đối với ASEAN, Úc, New Zealand và Trung Quốc vào khoảng từ 5,5% - 7,9%, đối với Nhật Bản, Hàn Quốc vào khoảng từ 4% - 5,7%. Tỷ lệ xóa bỏ thuế quan vào năm đầu thực hiện (2022) là 61,9%.

Còn đối với điều kiện áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi, bao gồm: hàng hóa được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước theo quy định tại hiệp định (đối với các nước đã phê chuẩn hiệp định); có chứng từ vận tải (bản chụp) thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước thành viên theo quy định; có tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan của lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam nhập khẩu vào lãnh thổ các nước thành viên theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bà Linh lưu ý, các chứng từ nếu không phải bản tiếng Việt, hoặc tiếng Anh thì người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.

Chuyển đổi cam kết thuế quan

Theo đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, các nghị định đã chuyển đổi cam kết thuế quan tại các hiệp định để phù hợp với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở AHTN 2022, trong đó thay đổi một số dòng thuế theo AHTN, với việc mở rộng phạm vi từ 10.813 dòng 10 số (AHTN 2017) lên 11.414 dòng thuế (AHTN 2022). Bên cạnh đó, duy trì việc tách các dòng thuế ở cấp độ 10 số quốc gia, trong đó số lượng các dòng thuế cấp 10 số giảm xuống chỉ còn 497 dòng (giảm 124 dòng so với phiên bản cũ).

Trong số 15 FTA ban hành biểu thuế giai đoạn này, có 4 FTA đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan là ATIGA (2018), ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Úc - New Zealand (2022), tiến tới hoàn thành lộ trình với Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh kinh tế Á - Âu.

Các nghị định đã bổ sung phạm vi các nước được hưởng ưu đãi với một số hiệp định đối với các quốc gia vừa thông bao điều ước quốc tế có hiệu lực, bao gồm Peru, Ceuta, Melila. Đồng thời hoàn thiện, chỉnh lý một số nội dung để tăng tính rõ ràng về pháp lý, tránh vướng mắc trong thực thi, như quy định về cho hưởng ưu đãi với khu phi thuế quan, quy định về điều kiện hưởng ưu đãi...

Đại diện Bộ Tài chính thông tin thêm, Nghị định 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 là văn bản đầu tiên quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Hiệp định RCEP. Tại Biểu cam kết thuế RCEP của Việt Nam áp dụng mức thuế khác nhau cho các đối tác khác nhau với diện mặt hàng có tính chất nhạy cảm riêng. So với các Hiệp định FTA Việt Nam đã tham gia, đây là nội dung mới giúp đảm bảo việc thực thi có hiệu quả mục tiêu đối xử thuế phân biệt giữa các nước thành viên trong Hiệp định RCEP (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand).

Hướng dẫn về mức thuế suất RCEP áp dụng khác nhau giữa các Phụ lục Biểu thuế tại Điều 6 Nghị định nhằm nội luật hóa các quy định tại Điều 2.6 Hiệp định RCEP để giải quyết vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa trong trường hợp một nước thành viên áp dụng mức cam kết thuế nhập khẩu khác nhau giữa các nước thành viên trong khuôn khổ Hiệp định RCEP./.