Theo Báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp ứng phó BĐKH thời gian tới vừa được chính quyền TP. Hồ Chí Minh công bố, địa phương sẽ chủ động, tăng cường, thúc đẩy triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong cả 8 ngành và lĩnh vực đã được ban hành tại Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn.

Nhà máy xử lý nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP. Hồ Chí Minh) nhìn từ trên cao. Ảnh Đỗ Doãn
Nhà máy xử lý nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP. Hồ Chí Minh) nhìn từ trên cao. Ảnh Đỗ Doãn

Cụ thể, đối với nhóm nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Kế hoạch Paris, tiếp tục triển khai 15 nhiệm vụ hiện có, trong đó có những dự án tiềm năng giảm phát thải lớn như dự án tuyến đường sắt đô thị, nghiên cứu giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông, nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; thu hồi khí bãi chôn lấp để phát điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất hàng hóa…

Bên cạnh việc chủ động triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, thành phố cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là bố trí vốn cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc Phụ lục 3 Quyết định số 3273/QĐ-UBND ngày 8/9/2022 của UBND thành phố.

Ngoài ra, thành phố sẽ tìm hiểu, tiếp tục thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực tài chính và hợp tác quốc tế, đặc biệt là tận dụng các hỗ trợ quốc tế để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn; Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực cán bộ như: Chương trình phát triển phát thải các-bon thấp với thành phố Osaka (Nhật Bản); Nhóm công tác chung Ngân hàng Thế giới nghiên cứu một số giải pháp giảm phát thải các-bon, thị trường tín chỉ các-bon; Chương trình hướng đến phát thải net zero với USAID.

Cũng trong báo cáo, UBND thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng Dự án Luật Biến đổi khí hậu để đưa vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2021 - 2025 của Quốc hội nhằm bảo đảm công cụ pháp lý mạnh mẽ thực hiện mục tiêu thích ứng với BĐKH cũng như tăng cường thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong bối cảnh tình hình mới; có những hướng dẫn triển khai cụ thể, đặc biệt đối với các quy định pháp luật mới về giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, thị trường tín chỉ các-bon…

Thành phố cũng kiến nghị các bộ, ngành tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ quản lý ngành tại địa phương, đặc biệt đối với những kiến thức quản lý nhà nước mới trong lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH; các bộ quản lý lĩnh vực sớm ban hành thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính đối với các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất.

Nhờ chủ động thực hiện các nhiệm vụ và lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào các chương trình, đề án, kế hoạch và nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, TP. Hồ Chí Minh bước đầu đã triển khai nâng cao nhận thức, năng lực và triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong ứng phó với BĐKH. Các phong trào phát động của chính quyền thành phố đã được nhân dân và các cơ quan, đoàn thể nhiệt tình hưởng ứng.