Các hội nghị, hội thảo của ngành Tài chính luôn thực hiện đúng quy định chi tiết kiệm  	Ảnh: BTC

Các hội nghị, hội thảo của ngành Tài chính luôn thực hiện đúng quy định chi tiết kiệm. Ảnh: BTC

Dự thảo thông tư quy định, khi tổ chức hội nghị phải nghiên cứu sắp xếp địa điểm hợp lý, tăng cường hình thức họp trực tuyến, không phô trương hình thức, không được tổ chức liên hoan, chiêu đãi. Dự kiến nếu được thông qua, thông tư sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017.

Tăng định mức công tác phí

Theo dự thảo thông tư, lãnh đạo, cán bộ được thanh toán chi phí đi lại, ăn ở theo hóa đơn thực tế. Mức khoán công tác phí tăng 100.000 đồng so với hiện nay. Cụ thể, người đi công tác ở quận thuộc TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng và các thành phố là đô thị loại 1 thuộc tỉnh, mức khoán công tác phí là 450.000 đồng/ngày/người.

Trường hợp đi công tác tại huyện thuộc các thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh, mức khoán là 350.000 đồng/ngày/người; đi công tác tại các vùng còn lại, mức khoán là 300.000 đồng/ngày/người.

Bên cạnh đó, các quy định khác về tiêu chuẩn mua vé máy bay đi công tác trong nước, mức phụ cấp lưu trú, mức thanh toán theo hóa đơn thực tế, điều kiện, hồ sơ chứng từ thanh toán,… về cơ bản vẫn được giữ như hiện hành. Tức là: Đối với cấp bộ trưởng và các chức danh có hệ số lương từ 1,3 trở lên sẽ được hưởng chế độ hàng ghế thương gia nếu đi công tác bằng máy bay. Hạng ghế thường dành cho các chức danh cán bộ, công chức, viên chức còn lại.

Chi hội nghị tiết kiệm, không phô trương hình thức

Dự thảo thông tư quy định cụ thể về chế độ chi tiêu cho các hội nghị cũng như công tác phí của từng cấp, ngành, từng chức danh cán bộ, công chức. Theo đó, với những hội nghị triển khai trên phạm vi toàn quốc do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức, kể cả các hội nghị tổng kết cuối năm, hội nghị sơ kết, tổng kết chuyên đề... đều phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản. Các ban của Đảng ở Trung ương khi tổ chức hội nghị toàn quốc, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thường trực Ban Bí thư. Thời gian cuộc họp cũng được quy định chỉ được kéo dài từ 1 đến 3 ngày.

Dự thảo thông tư cũng quy định cụ thể về chế độ chi tiêu cho các hội nghị. Theo đó, với những hội nghị triển khai trên phạm vi toàn quốc do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức, các hội nghị tổng kết cuối năm, hội nghị sơ kết, tổng kết chuyên đề... đều phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản.

Một số mức chi tổ chức hội nghị cụ thể như: Chi tiền nước uống trong cuộc họp là 20.000 đồng/1 buổi (nửa ngày)/đại biểu; chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu là khách mời không thuộc diện hưởng lương từ NSNN là cuộc họp tổ chức tại địa điểm nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương là 200.000 đồng/ngày/người; cuộc họp tổ chức tại địa điểm nội thành, nội thị của thành phố trực thuộc tỉnh; tại các huyện, thị xã thuộc tỉnh: 150.000 đồng/ngày/người; Riêng cuộc họp do xã, phường, thị trấn tổ chức (không phân biệt địa điểm tổ chức): 100.000 đồng/ngày/người…

Ngoài ra, dự thảo thông tư quy định, khi tổ chức hội nghị phải nghiên cứu sắp xếp địa điểm hợp lý, tăng cường hình thức họp trực tuyến (online) nhất là đối với các hội nghị toàn quốc trên cơ sở đảm bảo phù hợp với yêu cầu riêng của từng cuộc họp. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các nội dung vấn đề, công việc cần xử lý; kết hợp các loại cuộc họp với nhau một cách hợp lý; chuẩn bị kỹ, đầy đủ, đúng yêu cầu nội dung cuộc họp; không phô trương hình thức, không được tổ chức liên hoan, chiêu đãi, không chi các hoạt động kết hợp tham quan, nghỉ mát, không chi quà tặng, quà lưu niệm.

Kinh phí tổ chức hội nghị được bố trí sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tố uyên