Tăng trưởng chất lượng - đích đến  của thị trường bảo hiểm 2024
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ ngành Bảo hiểm, giúp thị trường bảo hiểmcó sự tăng trưởng bền vững. Ảnh: Duy Dũng

Thách thức tạo động lực để thay đổi, phát triển

Thị trường bảo hiểm Việt Nam trải qua một năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi về vĩ mô toàn cầu đã tác động không nhỏ tới nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó, bảo hiểm cũng không ngoại lệ. Không chỉ ảnh hưởng chung từ các yếu tố vĩ mô, thị trường bảo hiểm trong nước còn chịu “tác động kép” từ thách thức suy giảm niềm tin của người tham gia bảo hiểm, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và điểm nhấn là những “lùm xùm”, “ép khách” của kênh bancassurance.

Kỳ vọng một năm mới với nhiều điểm sáng hơn cho thị trường bảo hiểm

Tăng trưởng chất lượng - đích đến  của thị trường bảo hiểm 2024

Năm 2024, mặc dù thách thức vẫn còn phía trước, song với các giải pháp đồng bộ, sự chung tay của nhiều bên… hy vọng thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ có một năm mới phát triển tích cực hơn. Trên nền tảng kinh tế vĩ mô dự báo có nhiều điểm sáng và khung pháp lý cơ bản hoàn thiện, thị trường sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hơn về “chất”, đóng góp hiệu quả hơn cho kinh tế - xã hội của đất nước trong năm mới Giáp Thìn 2024. Ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

Theo số liệu từ cơ quan quản lý, tính tới cuối năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu chính của thị trường bảo hiểm vẫn duy trì sự tăng trưởng. Cụ thể như: So với năm 2022, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% (so với năm 2022).

Các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78%. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 601.448 tỷ đồng, tăng 14,16%. Vốn chủ sở hữu của các DNBH ước đạt 190.201 tỷ đồng, tăng 7,09%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng, tăng 31,14%…

Tuy nhiên, lần đầu tiên trong nhiều năm liên tiếp, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.134 tỷ đồng, giảm 8,02%. Điều này phần nào phản ánh những khó khăn mà thị trường bảo hiểm trải qua trong năm 2023.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, chia sẻ: “Áp lực và thách thức là rất lớn, nhưng với các chính sách đúng đắn của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính; sự hỗ trợ phối hợp của nhiều bộ, ngành cơ quan, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các DNBH; sự đồng hành của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí và đặc biệt là sự cảm thông, chia sẻ của khách hàng… có thể nói, năm qua là năm thị trường bảo hiểm trong nước đã nỗ lực hết mình để vượt thách thức kép.

Chọn chất lượng để khơi dậy tăng trưởng

Theo thông tin từ cơ quan quản lý với những giải pháp đã và tiếp tục được triển khai, thị trường bảo hiểm năm 2024 được kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng dương. Trên thực tế, nhiều ý kiến đều cho rằng, những chuyển động tích cực thời gian gần đây mới là kết quả bước đầu, thị trường bảo hiểm vẫn cần thêm thời gian để chuyển biến, theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Ngô Việt Trung cho biết, trong năm 2024, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tập trung vào công tác quản lý giám sát với mục tiêu đảm bảo thị trường bảo hiểm minh bạch, an toàn, hiệu quả để phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, mặc dù khung pháp lý cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục rà soát để trình các cấp có thẩm quyền xem xét đã đảm bảo chính sách pháp lý phải phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường.

Cùng với đó, trong năm 2024, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chú trọng công tác phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, vừa nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, vừa tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm. Đồng thời, song song với việc nâng cao hơn nữa chất lượng thi, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, yêu cầu các DNBH tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đại lý bảo hiểm để tăng chất lượng tư vấn và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Cũng trong năm mới, để tăng cường hơn nữa trật tự, kỷ cương, kỷ luật thị trường, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thực hiện công tác giám sát từ xa, thanh tra và kiểm tra tại chỗ. Theo đó, cục sẽ tăng cường thực hiện đánh giá DNBH theo định kỳ, kịp thời phát hiện sai phạm để báo cáo Bộ Tài chính có phương án xử lý. Qua kết quả thanh, kiểm tra, các hành vi vi phạm sẽ được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng

Năm 2023, mặc dù tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm giảm, nhưng giá trị chi trả quyền lợi bảo hiểm của các DNBH tăng 31,14%, là một nỗ lực đáng ghi nhận. Một năm “tác động không chừa một ai” nhưng thực tế các DNBH khối phi nhân thọ vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan. Hiệu quả đó có được đến từ nỗ lực vượt khó, chủ động thay đổi, linh hoạt các giải pháp kinh doanh và chuyển đổi số mạnh mẽ… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh mới.

Đối với khối nhân thọ, nhiều DNBH đã “biến khó khăn thành hành động”, “tất cả vì khách hàng” khi thay đổi quy trình, quản trị công ty, chất lượng nhân sự, đặc biệt là chất lượng đại lý bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Cùng với khung pháp lý mới, các giải pháp của cơ quan quản lý, kỳ vọng những thay đổi mang tính bước đầu của DNBH sẽ tạo xung lực từ nội tại cho trường phát triển chất lượng hơn.