Thách thức trong thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp chia sẻ về thực thi EPR tại tọa đàm. Ảnh: Luyện Vũ

Sản phẩm tái chế chưa kinh tế

EPR được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số

08/2022/NÐ-CP của Chính phủ. Theo các quy định này, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025. Nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Chia sẻ tại tọa đàm “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi” ngày 4/4, ông Hoàng Thành Vĩnh - cán bộ chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên triển khai EPR, khi bắt đầu khởi động quy trình này vào năm 2022 và năm 2024 là bước tiếp theo.

Tuy nhiên, thực tiễn Việt Nam và các nước trong khu vực đang nổi lên một số khó khăn, thách thức đặc thù khi thực hiện EPR là thiếu hạ tầng thu gom tốt, trong khi nhu cầu với các dòng vật liệu tái chế trong nước như nhựa tái chế chưa cao, bên cạnh nhận thức về chất thải và quản lý chất thải còn hạn chế.

Theo ông Vĩnh, nguyên lý cơ bản để thực thi tốt EPR đó là cân bằng, tối ưu góc độ kinh tế trong hoạt động tái chế, nhằm giúp tạo động lực cho doanh nghiệp (DN) đi theo con đường tái chế và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam nhựa tái chế đang đắt hơn nhựa nguyên sinh. Đây là vấn đề rất cần lưu ý.

Đồng quan điểm về góc độ kinh tế, ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo thuộc PAN Group cho biết, DN đang rất quan tâm đến các thách thức về cơ cấu tính giá thành sản phẩm sau này trong hoạt động sản xuất có liên quan khi thực thi EPR. Theo ông Nguyễn Trung Anh, chi phí này không hề nhỏ, đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, rất cần cân nhắc giữa yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường trong các chính sách để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với DN khi thực thi chính sách này.

Bày tỏ đồng tình với các định hướng EPR của Chính phủ, ông Nguyễn Trung Anh cũng cho rằng lộ trình thực hiện EPR cần sự chia sẻ, đồng hành không chỉ của khối DN, nhà nước mà cần cả cộng đồng cùng vào cuộc.

Xây dựng chính sách theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp

EPR

Chia sẻ quan điểm từ góc nhìn của cơ quan nhà nước, theo ông Nguyễn Thi - đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TNMT), chính sách về EPR tại Việt Nam đã và đang được hoàn thiện tương đối đầy đủ, hỗ trợ cho DN thực hiện.

Cụ thể, từ 2020, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ trách nhiệm thu gom tái chế của nhà sản xuất. Hiện Bộ TNMT đã trình Chính phủ nghị định sửa đổi Nghị định 08 trong đó có sửa đổi quy định về EPR theo hướng tạo điều kiện cho DN thực hiện theo tinh thần cải cách hành chính.

Đặc biệt, sửa đổi quy định về quy cách tái chế phù hợp hơn với thực tiễn, không yêu cầu phải tái chế một cách quá sâu mà chỉ đưa đến mức trở thành nguyên liệu sản xuất là đủ, giúp gánh nặng của DN giảm đi mà vẫn đạt được mục đích thu gom và xử lý các sản phẩm bao bì.

Bên cạnh đó, Bộ TNMT cũng đã trình Chính phủ văn bản quy định về định mức chi phí tái chế để DN có được căn cứ xác định trách nhiệm của mình quy đổi ra tiền để DN xác định đóng tiền hay tự tái chế. Ngoài ra, Bộ TNMT đã hoàn thành và chờ ban hành thông tư về quản lý số tiền đóng góp của DN vào Quỹ Bảo vệ môi trường hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý, tái chế các sản phẩm bao bì. Đây là thông tư rất quan trọng để sử dụng kinh phí đóng góp của nhà sản xuất để nâng cao hạ tầng thu gom tái chế ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thi cũng chia sẻ băn khoăn: “DN đã ủng hộ và cam kết thực hiện EPR. Nhưng DN thực hiện theo hình thức đối phó hay với nhận thức của mình, trách nhiệm với xã hội? Đây là tâm tư rất lớn của chúng tôi về EPR”. Theo ông, để thực hiện EPR cũng cần 1 bộ máy đủ lớn để hỗ trợ DN thực hiện trách nhiệm của mình. Ở các nước đã có hệ thống được xã hội hóa, với hạ tầng thu gom tái chế rất tốt. Vì vậy, ông Nguyễn Thi bày tỏ mong muốn các DN hỗ trợ có một tổ chức độc lập để quản lý, vận hành hệ thống EPR thay vì hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay.

Khuyến nghị chính sách cho việc thực thi EPR tại Việt Nam được tốt hơn, ông Hoàng Thành Vĩnh cho rằng, Nhà nước cần đầu tư thêm nguồn lực để hỗ trợ hoạt động thu gom được tốt hơn. Hiện nay, mục tiêu tái chế của Việt Nam là 22% đối với nhựa. Vì vậy, cần làm sao từng bước tăng tỷ lệ tái chế và hàm lượng tái chế trong sản phẩm.

“Chính sách của Việt Nam đang có 2 lựa chọn cho DN là tự tái chế và DN đóng tiền vào quỹ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần khuyến khích làm sao để thúc đẩy DN tự tái chế mới là điều quan trọng” - ông Vĩnh nhấn mạnh.

Đồng thời, công tác quản lý chất thải cũng cần được nâng cao. Trong đó, cần thúc đẩy các thiết kế hạ tầng thu gom chất thải, tái chế, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong hoạt động thu gom, tái chế, song song với việc nâng cao nhận thức, góp phần giúp cộng đồng tiếp nhận mạnh mẽ hơn các sản phẩm tái chế…

EPR là lợi thế cạnh tranh quốc gia

“EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao. Hiện tại Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân đã xuất khẩu 60% hạt nhựa tái chế sang Mỹ và châu Âu. Hiện mỗi ngày, công ty thu gom 180 tấn rác thải nhựa (tương đương khoảng 12 triệu chai nhựa) để tái chế, có thể làm ra những chai đựng nước uống được” - ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ.