Lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng

Theo quy định của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động trước đây có khoảng thời gian làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có hưởng lương và tham gia BHXH bắt buộc, nếu vì lý do nào đó phải nghỉ việc, không tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc thì vẫn có thể chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện tích lũy thêm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng các quyền lợi từ chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí.

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn nhiều phương thức đóng khác nhau như đóng hàng tháng, đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần, đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần; đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Người hưởng hưu khi tham gia BHXH bắt buộc và tham gia BHXH tự nguyện đều được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy, lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá…

Cán bộ BHXH TP vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại chợ dân sinh.
Cán bộ BHXH TP vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại chợ dân sinh.

Chính vì những lợi ích thiết thực của chính sách BHXH nên nhiều người dân Hà Nội sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp, đã tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện theo phương thức đóng 1 lần cho thời gian còn thiếu để được hưởng lương hưu.

Bà Đỗ Thị Thúy, sinh năm 1963, cư trú tại phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trước đây đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc 17 năm 2 tháng. Sau khi nghỉ việc, bà tham gia BHXH tự nguyện, đóng 1 lần cho 2 năm 10 tháng để đủ thời gian 20 năm.

Ông Nguyễn Văn Thế, sinh năm 1966, ở thôn Xuân Trung, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện giải quyết chế độ từ tháng 10/2021, với mức lương 2,5 triệu

đồng/tháng đến tháng 1/2022 đã được điều chỉnh lương hưu thêm gần 180.000 đồng/tháng. Ngoài ra, ông Thế còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh. Vừa có lương hưu, vừa có thẻ BHYT, ông Thế an hưởng tuổi già, không phải phiền lụy đến con cháu.

Tuyên truyền bài bản, rộng khắp

BHXH TP. Hà Nội luôn xác định phát triển BHXH, BHYT sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô nên công tác truyền thông cho người dân hiểu rõ chính sách BHXH, BHYT đóng vai trò quan trọng để thực hiện chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống.

Trong thời gian qua, BHXH TP. Hà Nội đã liên tục đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện. Chính vì vậy, ngày càng nhiều người là lao động đã nghỉ việc tại doanh nghiệp, lao động tự do, thanh niên đang đi học hoặc đang chờ việc lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện.

Mới đây, BHXH thành phố đã tổ chức lễ ra quân hưởng ứng "Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân – Truyền thông, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Hà Nội: Hơn 1000 người tham gia bảo hiểm trong ngày hưởng ứng “Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân”

Chỉ trong 1 ngày ra quân, toàn thành phố đã phát triển được hơn 1.000 người tham gia bảo hiểm, trong đó 431 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, 718 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Lễ ra quân hưởng ứng “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân” không còn là khẩu hiệu mà đã đem lại những kết quả hết sức thuyết phục, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, tiếp tục tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn Thủ đô.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết, BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn, nhân đạo, hướng đến người tham gia là nông dân, người lao động khu vực phi chính thức. Mục tiêu của chính sách là thực hiện BHXH toàn dân, giúp người dân có thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động, được hưởng lương hưu và thẻ BHYT miễn phí. Lễ ra quân là một trong những hoạt động nhằm giúp người dân hiểu đúng về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện; BHYT hộ gia đình để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống. Đây cũng là dịp để cơ quan BHXH, bưu điện các cấp phát huy vai trò trong công tác truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Việc tuyên truyền trước, trong và sau lễ ra quân được BHXH thành phố tổ chức bài bản, rộng khắp trên toàn địa bàn. BHXH TP. Hà Nội đã hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông: truyền thông trực quan, truyền thông lưu động, phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT… BHXH thành phố, BHXH các quận, huyện, thị xã đã tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, phướn truyền thông về chính sách BHXH trên các trục đường, phố chính của thành phố, thị xã, thị trấn, nơi có đông người qua lại; tại trụ sở cơ quan BHXH…

Ngoài ra, BHXH thành phố đã tích cực ứng dụng công nghệ, sử dụng truyền thông đa phương tiện để lan tỏa rộng rãi tới người dân về lễ ra quân, các chính sách BHXH, BHYT như xây dựng infographic về các chế độ chính sách BHXH, BHYT, đăng tải thông tin qua trang mạng xã hội (fanpage, zalo chính thức của BHXH thành phố, BHXH quận, huyện).

TP. Thủ Đức: Hướng dẫn cho 2.198 doanh nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Trong 2 ngày 17 - 18/5/2022, BHXH và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã phối hợp hướng dẫn trực tuyến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 2.198 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) trên địa bàn TP. Thủ Đức đã tham dự và đặt gần 400 câu hỏi liên quan đến các điều kiện, chính sách hỗ trợ…

Theo BHXH TP. Thủ Đức, đối với NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp (DN) tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm đủ điều kiện nhận hỗ trợ, thì người SDLĐ lập danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg) gửi cơ quan BHXH nơi quản lý thu BHXH qua giao dịch điện tử hoặc Cổng dịch vụ công (DVC) của BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia hoặc gửi hồ sơ giấy qua dịch vụ bưu chính, đồng thời gửi file dữ liệu qua địa chỉ email hoặc Zalo của chuyên quản thu quản lý đơn vị. Thời hạn nộp hồ sơ: Hàng tháng hoặc gộp 2 tháng hoặc 3 tháng. Chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022.

Đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động đang làm việc trong DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm đủ điều kiện nhận hỗ trợ: lập danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà (Mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg) gửi cơ quan BHXH nơi quản lý thu BHXH qua giao dịch điện tử hoặc Cổng DVC của BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia hoặc gửi hồ sơ giấy qua dịch vụ bưu chính, đồng thời gửi file dữ liệu qua địa chỉ email hoặc Zalo của chuyên quản thu quản lý đơn vị. Thời hạn nộp hồ sơ, trước ngày 15 hàng tháng. Chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022.

Với cơ quan BHXH, trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Mẫu số 02, Mẫu số 03 của đơn vị, cơ quan BHXH đang quản lý sẽ xác nhận việc tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ, chuyển trả cho đơn vị theo hình thức đơn vị đã nộp cho cơ quan BHXH. Trường hợp danh sách đơn vị không khớp đúng so với dữ liệu cơ quan BHXH đang quản lý, thì cơ quan BHXH trả lại danh sách kèm phiếu hướng dẫn gửi cho đơn vị để bổ sung, hoàn chỉnh và nộp lại kịp thời.