Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: D.Thiện

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) cho biết, cho tới nay, ASEAN đã thực hiện được gần 70% số biện pháp đề ra trong Lộ trình tổng thể xây dựng AEC. Cả 12 lĩnh vực thuộc AEC do các cơ quan chuyên ngành như tài chính (kể cả hải quan), giao thông-vận tải, nông nghiệp, viễn thông, du lịch, khoa học-công nghệ, năng lượng-khoáng sản, hợp tác tiểu vùng… triển khai đều đã đạt được các kết quả quan trọng.

Nhấn mạnh những cơ hội mà Việt Nam có thể đạt được khi tham gia vào AEC, ông Sơn cho rằng, AEC đặc biệt chú trọng thúc đẩy mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển, đây là lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm. Hội nhập kinh tế ASEAN, đặc biệt việc ủng hộ và tham gia tích cực AEC sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế và uy tín trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác, nắm bắt được những cơ hội và chủ động đối phó với những thách thức trong tiến trình hợp tác khu vực nhằm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước ASEAN-6, quá trình thực hiện AEC của Việt Nam vẫn phải đối đầu với nhiều khó khăn. Bởi vậy, “đối với Việt Nam, việc tìm hiểu kinh nghiệm của các nước ASEAN trong quá trình hội nhập AEC cũng như kinh nghiệm của các khu vực khác là cần thiết, giúp đưa ra những khuyến nghị, góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam xây dựng được các biện pháp, chiến lược phù hợp để hội nhập AEC thành công, mang lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.

Được biết, cho tới nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Việt Nam là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong Lộ trình tổng thể thực hiện AEC./.

Bảo Thiên Bình