CKDòng tiền cầu cơ “chột dạ”?

Trước làn sóng đầu cơ ào ạt gần hai tháng nay, cơ quan quản lý đã có động thái phát tín hiệu khi đánh giá hiện tượng đầu cơ này và cho biết đang phối hợp chặt chẽ để tìm hiểu. Hiện tượng các room phím hàng, tung tin thổi giá được đề cập cụ thể.

Thực ra đây là hiện tượng phổ biến và xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên đà tăng giá lần nảy của các cổ phiếu đầu cơ diễn ra cực mạnh và kéo dài. Trong khi VN-Index hầu như không tăng kể từ đầu tháng 8 đến nay thì chỉ số vnsmallcap đã tăng trưởng trên 20%. Rất nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng giá gấp đôi trong thời gian này, càng kích thích lòng tham khiến nhà đầu tư đổ tiền vào nhiều hơn. Hiện tượng tăng giá này cũng khiến dòng tiền vào các cổ phiếu đầu cơ lấn át cả các blue-chips. Giao dịch ở nhóm midcap và smallcap còn cao hơn VN30.

Hôm nay dòng tiền dường như bắt đầu chốt lời mạnh, tạo nên hiện tượng giảm giá hàng loạt ở các cổ phiếu nhỏ. Có 18 cổ phiếu giảm sàn trên HoSE, nhiều nhất kể từ đầu tháng 8 khi làn sóng đầu cơ khởi động. Phần lớn các mã giảm hết biên độ hôm nay thuộc nhóm smallcap.

Không ít cổ phiếu quay đầu giảm khiến nhà đầu cơ choáng váng vì quá nhanh. Ví dụ BMC đầu giờ sáng còn kịch trần, đến chiều đã giảm kịch sàn. Tăng 150% trong vòng 2 tháng, BMC hôm nay vị xả với khối lượng cao kỷ lục. Hay như CSV từ giữa tháng 7 đến nay tăng khoảng 177%. Buổi sáng CSV cũng kịch trần đến tận 10h45 rồi đột ngột xuất hiện khối lượng bán cực mạnh. Trong thoáng chốc giá đảo sang giảm chạm sàn.

Có rất nhiều cổ phiếu biến động tương tự CSV hay BMC ở các mức độ khác nhau. Chỉ số Vnsmallcap hôm nay giảm 1,27% là chỉ số yếu nhất sàn HoSE. Hôm nay là lần thứ 3 chỉ số đột ngột quay đầu tăng trước giảm sau như vậy. Lần đầu tiên là hôm 20/8, báo hiệu một nhịp giảm ngắn hạn. Lần thứ hai là hôm 7/9 nhưng nhóm này lại tiếp tục tăng mạnh sau đó. Lần thứ 3 liệu tình hình có khác biệt?

Các phiên xả hàng đảo chiều giảm trong cả 3 lần nói trên đều đi cùng thanh khoản rất lớn. Phiên hôm nay nhóm smallcap thậm chí giao dịch trên 5 ngàn tỷ đồng, gần tương đương với kỷ lục lịch sử 5,2 ngàn tỷ đồng hôm 20/8. Đứng về tỷ lệ, smallcap giao dịch khoảng 23,4% tổng thanh khoản sàn HoSE, không kém là bao so với tỷ lệ 30,8% của rổ VN30.

VN-Index thoát hiểm nhờ trụ

Cùng với hiện tượng xả hàng mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, các mã blue-chips quan trọng hôm nay như ngân hàng cũng suy yếu. TPB tăng tốt nhất nhóm 3,62% chỉ là cá biệt. VPB, CTG là hai mã duy nhất còn lại tăng nhẹ. Trong khi đó STB, TCB, MBB, BID, HDB ở phía giảm, VCB, ACB chỉ trụ được tham chiếu. Các cổ phiếu tăng mạnh hôm qua cũng đảo chiều giảm hôm nay là VNM giảm 0,77%, MSN giảm 1,36%.

Hiện tượng phân hóa của nhóm vốn hóa lớn thậm chí nhiều lúc khiến VN-Index chao đảo và rơi xuống sát tham chiếu. Chỉ số còn có thời điểm chớm giảm, mất 0,04 điểm khi chỉ còn 6 phút nữa là hết phiên khớp lệnh liên tục. May mắn những phút còn lại, những mã trụ khỏe đã kéo được VN-Index lên 2,08 điểm trên tham chiếu.

Đó là VHM tăng 1,67%, VIC tăng 1,16%, MWG tăng 5,01%, GAS tăng 2,49%. Dù không mất điểm nhưng rõ ràng VN-Index đã thể hiện sự suy yếu về cuối phiên.

Lý do khiến VN-Index cứ lình xình không rõ ràng là dòng tiền mua tại blue-chips quá kém. Nhóm này biến động luân phiên hôm tăng hôm giảm nhưng cũng không đi đến đâu. Do đó VN-Index cứ luẩn quẩn quanh 1350 điểm kéo dài.

Thanh khoản của rổ VN30 phiên này dù tăng nhẹ 5% mà vẫn không đủ nhiều, chỉ khớp xấp xỉ 6.700 tỷ đồng. Có thể nhìn thấy rõ nhất việc thiếu thanh khoản khiến giá phập phù như thế nào ở các mã ngân hàng. Ngay cả với các cổ phiếu trụ, giao dịch nhỏ cũng không đảm bảo được phiên kế tiếp có chống đỡ được áp lực bán ra hay không.

chứng khoán 23-9

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

21.771 tỷ đồng (+26%)

961,3 triệu (+32%)

3.373 tỷ đồng (+1%)

198,8 triệu (+10%)

Khánh Nhi