Ngày 15/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 41/2017/QĐ- TTg quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện.

Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghị định chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý
Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý. Ảnh: H.T

Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và EVN, mặc dù đã tích cực triển khai thực hiện quyết định, nhưng đến nay, số lượng công trình điện được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển còn thấp. Theo báo cáo của EVN vào tháng 7/2021, đơn vị đã đồng ý tiếp nhận 2.825 công trình điện, chiếm khoảng gần 20% số công trình các chủ tài sản đang quản lý dự kiến bàn giao sang EVN quản lý; số lượng công trình điện Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chuyển là 302 công trình, chiếm khoảng 10,7% tổng số công trình EVN đã đồng ý tiếp nhận.

Theo đó, việc bàn giao, tiếp nhận các công trình điện đang rất chậm. Nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng các công trình điện đã và đang đầu tư từ vốn nhà nước rất lớn, phân bố ở hầu khắp các địa bàn trong cả nước; hệ thống tổ chức bộ máy phân phối của ngành điện được tổ chức thành nhiều cấp. Đặc biệt, quy trình thực hiện điều chuyển phải qua nhiều cấp (cả bên giao và bên nhận đều phải thông qua ít nhất 3 cấp, từ cơ quan, đơn vị đến cấp huyện, cấp tỉnh, trung ương; từ EVN đến tổng công ty điện lực đến công ty điện lực) và ở địa phương phải thông qua 2 quy trình: xin thỏa thuận tiếp nhận của EVN và trình Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Vì vậy, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Trong khi đó, công trình điện là loại tài sản đặc thù, chỉ có ngành điện mới có đủ chuyên ngành vận hành; đồng thời, chế độ khấu hao/hao mòn có sự khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, để bảo đảm việc quản lý vận hành liên tục, thông suốt đối với các công trình điện, việc bàn giao cho cơ quan điện lực hạch toán, quản lý vận hành ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng là cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, thời điểm năm 2016-2017, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về việc bàn giao các công trình điện sử dụng vốn NSNN cho EVN, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở các hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm năm 208, Bộ Tài chính đã lựa chọn hình thức điều chuyển để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc lựa chọn hình thức điều chuyển tại thời điểm đó là phù hợp vì quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 chỉ có các hình thức: thu hồi, điều chuyển, thanh lý, bán và tiêu hủy tài sản nhà nước, không có hình thức khác.

Năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành. Theo đó, việc xử lý tài sản công thông thường tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện bằng 7 hình thức cụ thể: Thu hồi, điều chuyển, sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

Tuy nhiên, trong 7 hình thức xử lý tài sản công thông thường này không có hình thức nào phù hợp với đặc thù của loại tài sản là công trình điện.

Vì vậy, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng nghị định của Chính phủ quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý để giải quyết các bất cập, vướng mắc đã nêu trên.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã công bố quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghị định chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý. Theo đó, Trưởng Ban soạn thảo là Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Phó Ban soạn thảo là ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản và 12 thành viên là lãnh đạo các đơn vị có liên quan.

Sau khi dự thảo nghị định được giới thiệu, các thành viên Ban soạn thảo đã góp ý bước đầu với dự thảo. Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã tổng hợp để hoàn chỉnh dự thảo nghị định trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Theo lộ trình, đến tháng 6/2022, dự thảo nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý sẽ được trình Chính phủ. Do đó, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhanh chóng hoàn thiện dự thảo để gửi lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ.