Nội dung thanh tra tập trung chủ yếu vào công tác quản lý điều hành ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay do Chính phủ bảo lãnh, giá các mặt hàng nhà nước thực hiện quản lý, bình ổn giá, công tác quản lý thu và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của đối tượng thanh tra. Đến nay, Thanh tra Bộ Tài chính đã lưu hành kết luận 29 cuộc thanh tra; kiến nghị xử lý về tài chính lên tới trên 2.461 tỷ đồng (tăng thu NSNN: 1.250,1 tỷ đồng; giảm chi NS: 1.183,6 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 27,5 tỷ đồng) tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2012, đồng thời có nhiều kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách tài chính còn sơ hở, bất cập. Nhiều sai phạm điển hình đã được phát hiện qua thanh tra tại các lĩnh vực. Trong triển khai thực hiện chính sách chế độ để điều hành tại địa phương, còn chưa ban hành định mức phân bổ ngân sách cho một số nhiệm vụ chi thường xuyên; chưa xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển. Mức thu của một số loại phí, lệ phí để thống nhất thu trên địa bàn chưa được ban hành; giá tính thuế tài nguyên sát với giá thị trường, đơn giá thu tiền thuê đất chưa điều chỉnh … Công tác nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng giá trị khối lượng công việc vẫn còn xảy ra tại các công trình xây dựng. Ảnh minh họa: ĐT Việc phân bổ và giao dự toán chi ngân sách đầu năm nhiều địa phương thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo tăng không đúng nhu cầu về nguồn kinh phí thực hiện một số chính sách do ngân sách Trung ương hỗ trợ, có địa phương phải thu hồi 286,3 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực quản lý vốn đầu tư xây dựng tại các dự án đầu tư, thực hiện phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án tăng lớn so với phê duyệt ban đầu do thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án chậm, dẫn đến phải tăng chi phí nhân công, vật liệu, chi phí máy thi công, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng do chính sách đền bù của nhà nước thay đổi... Một sai phạm phổ biến nữa trong lĩnh vực này là lập, thẩm định phê duyệt tăng không đúng dự toán các gói thầu xây lắp và chưa đủ căn cứ do tính sai định mức, sai đơn giá, khối lượng xây lắp...; công tác nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng giá trị khối lượng công việc hoàn thành vẫn còn xảy ra; không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng thi công xây lắp đối với những gói thầu do các nhà thầu quốc tế trúng thầu, làm tăng chi phí phải trả cho các nhà thầu do phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Trong lĩnh vực quản lý tài chính các đơn vị sự nghiệp, việc lập dự toán thu phí, lệ phí thấp hơn nhiều so thực hiện thu, năm trước liền kề; Cấp bổ sung kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cao hơn thực tế; Giao dự toán chi mua sắm thiết bị, sửa chữa tài sản cố định trong dự toán chi hoạt động thường xuyên chưa đúng quy định. Cơ quan thanh tra tài chính cũng phát hiện một số trường hợp thực hiện thu viện phí một số dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đúng quy định. Công tác chi cao hơn quy định, không có chế độ quy định, không xây dựng mức chi trong quy chế chi tiêu nội bộ, quyết toán không đúng nguồn kinh phí. Ngoài ra, quản lý bảo hiểm y tế chưa chặt chẽ dẫn đến cấp trùng thẻ, phải kiến nghị thu hồi 732 tỷ đồng. Tình trạng sai phạm phổ biến trong lĩnh vực quản lý tài chính tại các doanh nghiệp là hạch toán không đúng kết quả sản xuất kinh doanh, giấu doanh thu, tăng chi phí để trốn thuế; chấp hành không đúng trình tự, thủ tục đầu tư các dự án hình thành tài sản cố định; đầu tư tài chính vượt mức quy định; nợ khó thu hồi lớn, đầu tư kém hiệu quả; Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với NSNN giá trị quyền sử dụng đất lên đến hàng trăm tỷ đồng.../.

Trung Ninh