Đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Buôn Ma Thuột Tạo cơ chế và nguồn lực phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm Tây Nguyên

Nhiều cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN); phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Kết quả biểu quyết thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Trong đó, về quản lý tài chính, NSNN, Tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN. Phần dư nợ vay tăng thêm so với quy định của Luật NSNN được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số đối với dân số của thành phố Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 khi xây dựng dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2023 và trong thời gian thực hiện nghị quyết này. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của thành phố Buôn Ma Thuột. HĐND tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng và sử dụng toàn bộ phần được bổ sung tăng thêm.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản (trừ dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê quy định tại nghị quyết); du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình

Ưu đãi đầu tư cho cả vòng đời dự án

Để bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng pháp luật để gian lận, trốn thuế, dự thảo nghị quyết quy định nội dung: “Giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các doanh nghiệp, dự án được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định tại nghị quyết này để có các giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng chính ưu đãi”.

Theo UBTVQH, chính sách ưu đãi trong dự thảo nghị quyết được áp dụng trong thời gian thí điểm đối với dự án mới (được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực thi hành) nhưng thời gian ưu đãi vẫn bảo đảm ưu đãi đầu tư cho cả vòng đời dự án theo quy định pháp luật về đầu tư; đồng thời chính sách ưu đãi khác sẽ áp dụng trong thời gian thí điểm 5 năm.

Trong thời gian thực hiện nghị quyết này, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố Buôn Ma Thuột được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại thành phố Buôn Ma Thuột.

HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Để bảo đảm quốc phòng, an ninh khi thực hiện các chính sách thí điểm, UBTVQH bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định giao Chính phủ thực hiện các giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh khi áp dụng các chính sách thí điểm, phù hợp với vị trí chiến lược của thành phố Buôn Ma Thuột và vùng Tây Nguyên.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 và được thực hiện trong 5 năm.

Lần đầu tiên có chính sách đặc thù cho đơn vị hành chính cấp huyện

Trước đó, trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, phạm vi chính sách tại dự thảo nghị quyết còn hạn chế, đề nghị bổ sung các chính sách nhằm góp phần phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23. Theo đó các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng sẽ được xây dựng trong thời gian tới và cùng với nghị quyết này sẽ tạo khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả vùng phát triển. Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện. Vì vậy, UBTVQH xin được giữ phạm vi chính sách thí điểm như dự thảo nghị quyết. Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện.